Một tiết dạy – học môn văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi |
So với các môn học khác trong nhà trường, việc dạy và học văn là vấn đề được bàn luận nhiều nhất từ trước đến nay. Có lẽ, vì môn văn có một vị trí đặc biệt trong việc “Dạy người và trồng người”. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà những bước tiến của khoa học kỹ thuật như vũ bão khiến người ta phải choáng ngợp.
Con người trong thế giới văn minh ấy sẽ ra sao, cao đẹp hơn hay man rợ hơn. Hàng loạt các cuộc hội thảo đã thể hiện sự trăn trở của các cấp lãnh đạo cũng như những nhà giáo tâm huyết. Trước hết, tôi xin từ góc độ của một người giáo viên (GV) để suy nghĩ và tâm sự.
1. Muốn dạy văn có hiệu quả thì trước hết người thầy phải chịu khó đọc nhiều, phải nghĩ suy trên tác phẩm, phải trăn trở trên trang giáo án. Đặc biệt, sau khi nắm bắt được những gì mà nhà văn muốn gửi gắm trong tác phẩm và vẻ đẹp của nó thì phải nghĩ đến con đường tổ chức cho học sinh (HS) đi vào tác phẩm, trao cho các em một phương pháp tiếp cận. Tùy theo đối tượng HS yếu kém hay khá giỏi, tùy theo loại tác phẩm là văn bản thông tin hay văn bản văn học mà chọn đường. Dẫn bằng một hệ thống câu hỏi nêu vấn đề để HS trao đổi, tạo được một không khí cảm thụ văn chương trong giờ học. Thích được nghe bạn nói và thích được nói cũng là một xu hướng của tuổi trẻ hôm nay. Sau khi giúp HS tìm hiểu và khám phá, GV với tư cách là một bạn đọc có kinh nghiệm vừa trao đổi vừa đưa ra một vài ý kiến đa chiều để các em phản biện. Hiện nay, tư duy phản biện của các em còn rất yếu.
Dạy đọc hiểu văn bản khác với giảng văn. GV phải đề cao vai trò chủ thể tích cực sáng tạo của HS. GV chỉ giữ vai trò hướng dẫn, gợi mở. Chúng ta dạy phương pháp đọc chứ không đọc hộ HS. Từ đọc hiểu mà hình thành khả năng phân tích và tổng hợp phê bình đánh giá nội dung hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
2. GV cần giúp HS tiếp nhận và sáng tạo. Văn chương là một hoạt động sáng tạo. Người tiếp nhận tiếp tục sáng tạo nối dài ý nghĩa vô cùng, vô biên của thế giới nghệ thuật. Tại sao chúng ta cứ bắt HS rập khuôn theo cách hiểu của mình. Hãy tôn trọng suy nghĩ của các em miễn là những suy nghĩ ấy không suy diễn quá xa. Tôi nhớ mãi câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài Khoảng trời – Hố bom, sau khi kể về sự hy sinh anh dũng của người nữ thanh niên xung phong nhà thơ kết lại: Gương mặt em bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng.
Có nhiều cái người đọc cảm nhận vượt quá cả những điều mà nhà văn định gửi gắm. Ý nghĩa khách quan của hình tượng, nghệ thuật nhiều khi vượt qua ý định chủ quan của nhà văn. Ví dụ bài Vãng cảnh của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù là một bài có rất nhiều cách nghĩ khác nhau: Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình.
Có ý kiến nói Hồ Chí Minh mượn tiếng nói của hương hoa để bộc lộ sự bất bình của mình. Cũng có ý kiến cho rằng người đời còn vô tình trước cái đẹp. Vậy nhà văn phải góp phần làm bất tử hóa cái đẹp bằng những tác phẩm nghệ thuật. Đó là một bức thông điệp mà Hồ Chí Minh muốn nhắn gửi. Hay cũng có người nói bài thơ chứa đựng một tư tưởng triết lý: Không có gì mất đi hẳn. Hoa tàn nhưng cái tinh túy nhất của hoa thì vẫn còn. Hương hoa đã tìm đến một người giàu yêu thương và cảm thông để chia sẻ nỗi bất bình trước một xã hội bất công.
Hay ở câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử cũng có nhiều ý kiến trao đổi nên hiểu “mặt chữ điền” như thế nào? Phải chăng là khuôn mặt phúc hậu của những người con gái xứ Huế. Cũng có ý kiến cho rằng đây là khung cửa sổ của những ngôi nhà vườn ở Vĩ Dạ. Lại có ý kiến độc đáo hơn cho rằng đây là khuôn mặt của chính Hàn Mặc Tử. Nhà thơ tưởng tượng mình trở về núp sau khóm trúc để ngắm lại cảnh cũ người xưa.
Văn bản văn học truyền cho người đọc một thông điệp ngoài lời. Qua trao đổi GV tập cho HS sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và tư duy suy luận phản biện, xây dựng tâm hồn. Sau này ra đời các em phải có khả năng đọc hiểu văn bản, trình bày được những vấn đề mình muốn nói, viết được rõ ràng trong sáng những điều mình muốn viết. Qua văn bản thông tin, văn bản văn học mà giáo dục tình cảm, nhân cách cho HS, làm cho tâm hồn các em trở nên phong phú hơn. Nếu nói “Nhà văn là người kỹ sư của tâm hồn” thì nhà giáo dạy văn cũng có trách nhiệm như vậy.
3. Người thầy phải xúc động thật sự với tác phẩm. Chúng ta hãy nhớ lại quá trình sáng tạo của nhà văn: Khi những cảm xúc, những ấn tượng tràn ngập trong tâm hồn nhà văn thì chỉ cần một tia chớp nhỏ là lập tức một trận mưa rào sẽ tuôn chảy đầu ngọn bút. L. Tônxtôi nói: “Tôi chỉ viết khi cảm thấy không thể không viết”. Vậy khi người GV giúp HS đọc hiểu văn bản trước hết trái tim người thầy phải có cùng tần số với trái tim nhà văn khi họ sáng tạo. Nhưng chúng ta say mà vẫn phải tỉnh bởi chúng ta còn phải làm nhiệm vụ dẫn đường cho HS. Tiết văn khác với tất cả các tiết khác có lẽ ở chất say ấy. Say mà tỉnh, tỉnh mà say tạo được một khung trời văn chương trong 45 phút cũng là điều rất cần thiết.
4. Về phía HS không nên soạn bài đối phó bằng cách chép những câu trả lời có sẵn mà tự mình phải đọc đi, đọc lại văn bản, tự khám phá tự phát hiện. Những khi rỗi rãi cần tìm đọc các tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước cũng như thế giới. HS bây giờ lười đọc quá. Phải thường xuyên tập viết, không cần viết cả bài chỉ cần viết một đoạn. Viết đúng – viết đủ – rồi sẽ viết hay. Tại sao khi viết HS thường viết lủng củng, lan man, bởi các em nắm vấn đề không chắc và suy nghĩ không rõ. Nếu suy nghĩ thật rõ ràng thì chắc chắn sẽ viết đúng. Tất nhiên, từ viết đúng đến viết hay phải còn một quá trình luyện tập.
Hy vọng rằng việc dạy và học văn sẽ ngày càng được cải tiến hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn.
NGƯT. Nguyễn Đắc Diệu Hương
(Nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM)
Sinh hoạt tổ chuyên môn rất quan trọng Trong tổ chuyên môn, làm sao có một không khí sinh hoạt mang màu sắc trao đổi với nhau về học thuật một cách chân thành và cởi mở. Không sinh hoạt theo lối hời hợt sự vụ hành chính. Các tiết thao giảng hiện nay vẫn tròn trịa quá, bài bản quá, chưa dám mạnh dạn cách tân bởi sợ người dự phê phán. Nên chăng tổ chức nhiều tiết thể nghiệm với những phương pháp khác nhau. |
Bình luận (0)