Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xung đột trong hội đồng thi đua

Tạp Chí Giáo Dục

Giám thị Trung tâm GDTX Q.3 trao đổi chuyện học tập với học viên (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Quang

Tình huống: Trong cuộc họp liên tịch mở rộng cuối năm của nhà trường để bình chọn chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, khi ban thi đua nhà trường đề cử thầy giám thị buổi sáng phụ trách khối 7, 9 (tổ trưởng tổ giám thị) vào danh sách thì thầy giám thị buổi chiều phụ trách khối 6, 8 (tổ trưởng tổ hành chính) kiên quyết phản đối, với hàng loạt lý do bôi đen và phủ nhận đồng sự của mình. Thầy giám thị buổi sáng lập tức phản ứng. Thầy bác bỏ mọi cáo buộc và lớn tiếng công bố những khuyết điểm của đồng sự. Đến đây, xung đột nổ ra dữ dội. Người có quyền lực duy nhất là hiệu trưởng, nhưng thầy tỏ ra lúng túng chỉ tập trung vào việc dàn hòa. Và cuộc khẩu chiến gay gắt kéo dài. Cuộc họp thi đua tan vỡ.
Điều quan trọng hơn là từ đó những tình tiết về lỗi lầm của hai thầy được lan truyền. Vai trò của hiệu trưởng bắt đầu mờ nhạt, hình ảnh ban giám hiệu bị méo mó đi trong trường học. Cũng từ đây, các hoạt động quản lý nề nếp, tác phong của học sinh bị đình trệ, chỉ còn lại hoạt động dạy học theo quy chế tồn tại nhưng mất hết linh hồn vốn có của nó, nên trường chịu những vết trượt tụt hậu dài.
Quyết định chấm dứt cuộc “khẩu chiến”: Trong bất cứ trường học nào mâu thuẫn cũng tồn tại, tuy mức độ có khác nhau. Điều này dễ nhận ra khi các ý kiến đối đầu của hai giám thị thể hiện việc họ đã chuẩn bị quá kỹ về những khuyết điểm của nhau và chọn cuộc họp là cơ hội làm mất uy tín của nhau. Trong trường hợp này hiệu trưởng không thể thực hiện quyết định phân rõ trắng đen của thuộc cấp gần gũi nhất trước mặt mọi người. Do đó, hiệu trưởng với tư cách chủ tịch hội đồng thi đua, người chủ trì hội nghị cần quyết đoán cao độ, đó là cương quyết chấm dứt tình trạng cãi vã của hai giám thị. Cụ thể là thực hiện giải pháp né tránh (chuyển nội dung khác) bởi cơ hội hòa giải ngay lập tức là không thể.
Phán đoán và xác định nguyên nhân xung đột: Trường học vốn là một xã hội thu nhỏ chứa trong mình tính chất phức tạp của nó. Một mặt những thành viên xấu có thể lợi dụng kích động, mặt khác có thể là những trò đùa thâm thúy tạo ra sự hiểu lầm nếu phân tích hời hợt. Giám thị buổi sáng được nhà trường đánh giá cao, được nể trọng, khen ngợi. Giám thị buổi chiều có thể sẽ phản đối tình thế thấp kém của mình bằng cách tạo ra xung đột để nâng cao quyền lực và ảnh hưởng của mình trong tổ chức.
Thương thảo riêng: Hiệu trưởng cần chọn thời điểm thích hợp để gặp gỡ từng giám thị và thuyết phục họ bằng lý lẽ, logic và sự kiện. Tức là chỉ ra cho họ những sai lầm mà họ ngộ nhận. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá cao công lao đóng góp của từng giám thị vào phong trào chung. Bộc lộ niềm tin của mình vào họ, với mình và nhà trường không thể thiếu một trong hai. Ngoài ra nhẹ nhàng nhắc nhở cho họ biết là nếu vấn đề phát triển rộng thì những nguy cơ về thanh danh và vị trí công tác cùng với hình ảnh của họ trước cơ quan chủ quản chắc chắn là bị biến dạng. Nếu cả hai chấp nhận cách giải quyết bằng thương thảo thì hiệu trưởng sẽ đứng ra dàn xếp và hứa sẽ làm cho sự việc trở nên nhẹ nhàng êm đẹp… Nội dung của quá trình này cần đạt được là: Xác định nhu cầu khẩn thiết là quyền lực, danh dự và lợi ích vật chất được hưởng cùng lời xin lỗi của đối phương. Trong quá trình này phải buộc được đối tượng nhận ra sai lầm. Thiết kế các thỏa thuận (dự kiến) với từng đối tượng, đồng thời cam kết ủng hộ họ khi những vấn đề quyền lợi của họ là chính đáng.
Hợp tác thông qua con đường thương thảo chung: Đến giai đoạn này, người hiệu trưởng đóng một lúc ba vai: Tư vấn – hòa giải – trọng tài. Giải pháp lựa chọn là nhẹ nhàng, nhấn mạnh những điểm chính, khen chê công bằng và bộc lộ niềm tin vào hai người như nhau. Đề cao mục tiêu chung là sự nghiệp của nhà trường, đồng thời xác định cụ thể mục đích giải quyết quyền lợi của hai người. Các bên cần xin lỗi nhau, tự nhận thấy những hành động thái quá của mình. Hiệu trưởng sẽ tìm một phương án nói có lợi nhất cho hai người trước cơ quan. Đặc biệt, hiệu trưởng cần khuyên các đồng sự của mình hãy bỏ qua vì nhân cách nhà giáo, vì tình đồng nghiệp; không phát ngôn hoặc hành động cá nhân mà phải cùng nhau thống nhất được phương án giải quyết.
Kết luận: Nếu vận dụng giải pháp trên trong việc giải quyết câu chuyện, các giám thị sẽ thừa nhận những sai lầm của mình trong nhận thức, thái quá trong hành động với đồng sự và lo ngại về sự việc vỡ lở. Niềm mong mỏi của họ là được an toàn, được giải quyết và gắn kết những bất hòa. Từ tình huống ở trên, chúng ta thấy rõ người hiệu trưởng không có kiến thức về tâm lý quản lý, lúng túng trong ứng xử, nên đã thất bại. Bài học rút ra là người hiệu trưởng phải trang bị và vận dụng tốt những kiến thức tâm lý quản lý để khéo léo giải quyết các xung đột thường xảy ra trong quá trình quản lý nhà trường.
Nguyễn Duy Quang – Long Sơn Phụng

Bình luận (0)