Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hành trang cần thiết cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THPT thực hành môn vật lý. Ảnh: N.Quang

Cùng với kiến thức chuyên môn và kiến thức sư phạm (SP) tổng quát, kiến thức SP chuyên ngành luôn là yêu cầu cần thiết đối với giáo viên (GV) bộ môn tại trường phổ thông, trong đó có bộ môn vật lý.
Cần khẳng định rằng, chất lượng đội ngũ GV là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng dạy học. Ngoài kiến thức chuyên môn, GV phổ thông phải có thêm kiến thức SP tổng quát và kiến thức SP chuyên ngành. Trong trường SP, kiến thức SP chuyên ngành được thể hiện rõ nhất thông qua các học phần thuộc bộ môn phương pháp giảng dạy (còn gọi là giáo học pháp).
1. Đối với GV bộ môn vật lý, kiến thức chuyên môn là kiến thức về vật lý và phương pháp nghiên cứu khoa học trong vật lý. Những kiến thức này giúp GV có cái nhìn sâu rộng về nội dung môn học mình đang dạy. Kiến thức SP tổng quát là các kiến thức về tâm lý giáo dục, quá trình dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý lớp học và hệ thống giáo dục. Kiến thức này giúp GV có những hiểu biết căn bản và thấu đáo trong việc tổ chức và điều phối hoạt động dạy học. Trong khi đó kiến thức SP chuyên ngành là kiến thức về quá trình và phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy học. Phải khẳng định rằng, đây là kiến thức tổng hòa từ hai kiến thức trên giúp GV biết cách tổ chức quá trình dạy học những bài học nhất định trong chuyên môn mà GV đang phụ trách. Trong ba mảng kiến thức trên thì mảng kiến thức SP chuyên ngành là quan trọng nhất đối với bất kỳ người dạy nào.
2. Năm thành tố của kiến thức SP chuyên ngành trong môn vật lý: Thứ nhất là định hướng dạy học. Đó là các quan niệm về vai trò kiến thức sẵn có của HS trong quá trình học môn vật lý, về mục đích việc giải bài tập vật lý, về vai trò của thí nghiệm và về những yếu tố kích thích tinh thần tự học của các em. Ví dụ: 3 GV dạy bộ môn vật lý với 3 quan niệm khác nhau về mục đích của việc giải bài tập môn này. GV A. cho rằng giải nhiều bài tập sẽ biết vận dụng kiến thức vào từng tình huống cụ thể, biết liên kết những phương trình toán học với bản chất vật lý. GV B. yêu cầu HS cần phải học cách tư duy và lập luận như các nhà khoa học. GV C. lại cho rằng để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề HS cần tuân thủ một trình tự thống nhất khi giải bài tập vật lý không chỉ hình thành thói quen vẽ hình, tóm tắt hiện tượng và dữ kiện của bài toán mà còn qua đánh giá kết quả bài toán… Thứ hai, hiểu biết về chương trình môn học. Đó là hiểu biết trình tự các bài học trong chương trình nhằm giúp HS xây dựng kiến thức và hình thành kỹ năng mới trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đã có. Ví dụ, HS cần phải học khái niệm xung lượng và động lượng trước khi học mô hình vi mô của áp suất khí. Thứ ba, hiểu biết về kiến thức sẵn có của HS trước khi học, những sai lầm HS thường mắc phải khi học một kiến thức vật lý. Đó là hiểu biết về những ý tưởng sẵn có của HS được hình thành từ những trải nghiệm thực tế và được đối chiếu với những kiến thức học được từ bài học và cả những khó khăn mà HS gặp phải khi diễn đạt bằng ngôn ngữ vật lý. Ví dụ, HS thường nghĩ rằng lực là cần thiết để duy trì chuyển động vì điều này được rút ra từ trải nghiệm thực tế là một vật sẽ chuyển động chậm dần rồi dừng lại ngay khi ta vừa ngưng tác dụng lực; và để vật chuyển động thẳng đều thì cần có một lực tác dụng thường xuyên vào vật. Điều này trái với kiến thức vật lý vì trong thực tế HS đã quên mất tác dụng của ma sát. Thứ tư, hiểu biết về kỹ thuật dạy học, hỗ trợ HS chiếm lĩnh kiến thức vật lý. Đó là kiến thức về các phương pháp giảng dạy và cách tổ chức hoạt động học tập cho HS nhằm đạt hiệu quả dạy học cao nhất; khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp giảng dạy đó vào từng bài học ở từng lớp cụ thể. Thứ năm, hiểu biết về các cách thức và công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập vật lý của HS. Đó là kiến thức về các phương pháp kiểm tra, đánh giá về các mức độ nắm vững kiến thức, kỹ năng giải bài tập và các kỹ năng khoa học tổng quát khác; kiến thức về cách hướng dẫn HS tự đánh giá. Ví dụ, bài tập vật lý thực tế có thể giúp đánh giá khả năng của các em trong việc vận dụng kiến thức vật lý vào tình huống thực tiễn. Còn các bài tập vật lý ngược có thể giúp đánh giá được sự am hiểu của HS về ý nghĩa vật lý của các ký hiệu và phương trình toán học dùng để mô tả các quá trình vật lý.
3. Nếu GV không thực sự am hiểu về một kiến thức vật lý, mối liên quan bản chất giữa kiến thức này với kiến thức khác thì không thể truyền đạt được sự am hiểu đó đến HS. Do đó sự am hiểu sâu sắc kiến thức vật lý và các phương pháp nghiên cứu vật lý là rất quan trọng trong việc phát triển kiến thức SP chuyên ngành ở GV vật lý. Trong lúc đó kiến thức SP chuyên ngành có tính đặc thù rất cao nên GV cần được trang bị và trải nghiệm tốt. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng dạy học thông qua việc đổi mới phương pháp bộ môn vật lý trong từng cấp học, lớp học ở trường phổ thông.
TS. Nguyễn Đông Hải (Giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)