Mặc dù được coi là trường “phố” nhưng những trường học trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội khó có thể hiện đại hóa vì quỹ đất quá eo hẹp.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chung khuôn viên với hộ dân (trong đó nhiều nhà cho thuê lại để kinh doanh nhà hàng) – Ảnh : Lê Đăng Ngọc
Khổ vì trường bị chia cắt
Hiện ở Q.Hoàn Kiếm có rất nhiều trường vẫn bị chia cắt với những điểm lẻ. Theo thống kê của UBND Q.Hoàn Kiếm, các trường học trên địa bàn có 33 điểm lẻ, trong đó quá nửa là điểm lẻ của các trường mầm non (MN) với 24 điểm. Trong số 17 trường MN công lập của quận, chỉ có 6 trường có khuôn viên độc lập. Số còn lại, nơi ít thì 2, nơi nhiều thì 3 – 4 điểm lẻ như: MN Chim Non, Hoạ Mi, Bình Minh, 1/6… Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, điểm lẻ trong hệ thống trường MN ở Hà Nội là “di sản” được lịch sử để lại từ thời bao cấp. “Hồi đó, chỉ có một số ít trường MN quy mô lớn, còn lại là những nhà trẻ nhỏ nhỏ xinh xinh được đặt xen giữa các hộ dân trên mỗi tuyến phố, nên giờ phải chấp nhận thôi”, cô Lê Hương Chi, Hiệu trưởng Trường MN Hoại Mi giải thích.
Theo nhiều phụ huynh, việc phải để các con học ở những trường có điểm lẻ, nhất là học tại điểm lẻ, là lựa chọn bất đắc dĩ vì không phải ai cũng có điều kiện xin trái tuyến. Một phụ huynh ở Hàng Cót, có con học ở Trường MN Hoạ Mi than thở: “Lớp của con tôi nằm ở gác 2, lối đi vào tối tăm, phòng học thì hẹp, không gian chẳng khác gì ở nhà, không có sân chơi, không được hít thở khí trời”. Một phụ huynh có con học lớp 2, Trường tiểu học Võ Thị Sáu kể: “Con tôi học ở điểm trường 35 Trần Hưng Đạo. Do dân ở trong khuôn viên trường nên xe máy, bếp than bày đầy sân, rất dễ gây tai nạn”. Cô Lê Thuý Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Gần đây còn xuất hiện một hộ kinh doanh hàng ăn ngay trong khuôn viên nhà trường”. Hiện nay, trường vẫn có tới 3 điểm lẻ. Mỗi sáng thứ hai, trường chỉ có thể tổ chức lễ chào cờ ở 1 điểm trường. Còn các ngày quan trọng như: lễ như khai giảng, bế giảng, nhà trường thường phải thuê rạp Khăn Quàng Đỏ ở Cung Thiếu Nhi để tổ chức.
Không chỉ nhiều điểm lẻ mà phần lớn trường MN công lập của Hoàn Kiếm đều là những trường quy mô rất hạn chế với mức khoảng 200 – 300 học sinh/ trường. Nhiều trường, điểm lớn nhất có mặt bằng không quá 200 m2.
Vì thiếu quyết tâm
Theo ông Lê Hồng Phú, Phó Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, để hiện đại hoá mạng lưới trường học của quận, khó khăn lớn nhất là thiếu đất. Vì thế, giai đoạn từ 2011 – 2015, quận giành một tỉ lệ lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản cho xây mới, sửa chữa, nâng cấp mạng lưới trường học nhưng chủ yếu là thực hiện trên hiện trạng quỹ đất vốn có chật hẹp. Giai đoạn trước đây, khi có cơ hội nới rộng quỹ đất cho giáo dục thì quận cũng như thành phố lại không đủ quyết tâm.
Ông Phú nhớ lại: “Tôi làm Chủ tịch UBND P.Cửa Nam giai đoạn 1999 – 2000. Thời kỳ đó, khi thành phố có dự định bỏ chợ Cửa Nam để xây dựng trung tâm thương mại, phường đã dùng đủ mọi cách để kiến nghị lên thành phố giữ lại khu đất đó, để xây trường nhưng thành phố không nghe”. Sau đó, P. Cửa Nam không có thêm ngôi trường nào đã đành, mà Trung tâm Thương mại Cửa Nam cũng thường xuyên ế ẩm”.
Không chỉ để lỡ cơ hội lần đó, Q. Hoàn Kiếm còn bị lỡ trong nhiều cuộc “chiến đấu” khác dành đất cho giáo dục. Cách đây một số năm, cũng tại P.Cửa Nam, khi đó Trường MN Sao Mai còn có một điểm trường ở biệt thự 45 Phan Bội Châu. Trong khuôn viên biệt thự có 3 hộ dân sinh sống. Quận dự kiến di dời 3 hộ này để mở rộng khuôn viên cho trường MN Sao Mai, nhưng chỉ có 2 hộ dân đồng ý. Lẽ ra cần tiếp tục đàm phán “đấu tranh” đến cùng với hộ còn lại, thì quận lại bỏ cuộc.
Lê Đăng Ngọc
(TNO)
Bình luận (0)