Trong giờ học thể dục của một lớp 8 có hai học sinh (HS) nam không biết vì lý do gì lại hùng hổ lao vào đánh nhau làm cả sân trường nhốn nháo cả lên. Thầy Ngô Anh Vũ đang trực tiếp dạy thể dục lớp đó thổi còi yêu cầu giải tán vụ lộn xộn và tập hợp lớp.
Cả lớp tập hợp lại thành bốn hàng im phăng phắc, không một tiếng ho he đến nỗi nghe được cả tiếng thở của HS vừa mới vận động xong. Ai cũng biết thầy Vũ tính nóng như Trương Phi, thầy sẽ kỷ luật nặng hai HS này và hạ thấp bậc thi đua của lớp. Thầy gọi hai HS vừa vi phạm tiến lên phía trước sát thầy, hai em nghe theo tiến sát nghĩ rằng có thể thầy sẽ phạt. Tôi cùng một đồng nghiệp đứng gần đó cũng e ngại thầy Vũ mạnh tay cùng HS nên tiến lại gần phòng hờ và cũng mong thầy không quá nóng giận. Không, tất cả ngoài dự đoán, thầy nhẹ nhàng cúi xuống, kiễng gót quỳ gối một chân trầm lặng phủi những vết lấm trên quần của hai HS, chăm chút và chậm rãi sửa lại dây giày cho từng em. Chúng tôi thấy cả lớp trố mắt nhìn vào hiện tượng này. Thầy biết được HS của lớp đang có tâm trạng như thế nào và đến độ hai em vi phạm cũng nhìn nhau và hỏi tại sao thầy làm vậy. Từ tốn, bình thản sửa lại cho thật ngay ngắn sợi dây giày rồi đứng lên, thầy Vũ khiêm hạ: “Thầy xin lỗi cả lớp vì đã không quản lý tốt lớp học dẫn đến mất đoàn kết trong các con, thầy rất lấy làm tiếc và sẽ không phạt hai bạn, cũng không trừ điểm vì đó là lỗi của thầy. Thầy biết các con sẽ hỏi tại sao thầy phải xin lỗi và tại sao lại cúi xuống sửa trang phục cho hai bạn nữa. Để thầy kể các con nghe một truyền thuyết trong Thánh Kinh thế này: Khi Đức Jesus chuẩn bị từ biệt các môn đệ thân thiết của ngài để đi theo con đường ngài chọn, ngài tụ họp họ lại tại một bữa tiệc, trước bữa ăn ngài tháo từng đôi giày hôi thối, dơ bẩn của từng môn đệ rửa chân cho từng người, và họ cũng hỏi tại sao ngài làm như thế, xin đừng rửa chân vì đôi chân của môn đệ không sạch. Sau đó ngài giải thích: Là thầy mà thầy còn rửa chân cho anh thì anh cũng phải rửa chân cho nhau”. Thầy Vũ nói thêm rằng: “Ở đây Đức Jesus nhắn nhủ môn đệ của mình phải hạ thấp mình xuống, hãy yêu thương nhau, yêu thương đồng loại. Vì vậy thầy mong các HS trong lớp cũng phải biết quý trọng nhau, đoàn kết yêu thương nhau, hãy xem cơ thể bạn như chính cơ thể mình vậy. Từ nay hy vọng các con không còn lặp lại những điều không tốt như vừa qua”.
Theo lời kể của một số giáo viên lâu năm, sau hơn chục năm giảng dạy thì đây là tình huống sư phạm để lại dấu ấn kinh nghiệm hiếm gặp của thầy Vũ và hầu hết giáo viên đều nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của HS.
Thầy Minh – Hiệu trưởng nhà trường – nhận xét: “Đa phần các em HS đều hiếu động, do đó mỗi người thầy phải kiềm chế để ứng xử phù hợp”. Thầy Minh trích dẫn câu châm ngôn nổi tiếng của một nhà sư phạm “Không có học trò dốt chỉ có giáo viên tồi” để nhắc nhở mỗi người giáo viên. Theo thầy Vũ, đôi lúc ta phải bỏ sang một bên những nguyên tắc đúng – sai, nguyên tắc thưởng – phạt và trong trường hợp này thầy vận dụng nguyên tắc yêu thương để đối xử với trẻ.
Nguyễn Minh Thanh
(Giáo viên Trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM)
Bình luận (0)