Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy văn miêu tả người

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học văn tả cảnh của HS tiểu học. Ảnh: Anh Khôi
Trong văn miêu tả ở bậc tiểu học, văn tả người là thể loại khó nhất đối với học sinh (HS).
Ở văn tả người, HS khó có thể diễn đạt sự khác biệt rõ giữa mắt, mũi, miệng, tóc… của người này và người khác. Vậy là các em thường diễn đạt trùng lắp từ ngữ, ý và cả câu. Chẳng hạn tả mắt thì từ em bé đến người già đều là “mắt tròn, đen láy”, còn mũi thì cao hoặc thấp… Chính vì thế, tiết học văn tả người thường thiếu sự sinh động, hấp dẫn HS bởi các em thường thụ động nghe thầy cô cung cấp vốn từ ngữ, ý và cả cách diễn đạt câu sao cho hay, trôi chảy, biểu cảm hơn. Vì vậy, việc đổi mới trong dạy văn tả người để thu hút HS, để tiết học sinh động hơn là điều hết sức cần thiết trong giảng dạy.
Ngay từ bài học đầu tiên về văn tả người, sau khi rút ra được dàn bài chung, thay vì bắt HS phải ghi nhớ dàn bài, giáo viên có thể cho các em đọc bài vè mà thầy cô “tự biên” như: “Nghe vẻ, nghe ve/ Nghe vè miêu tả/ Tả người phải nhớ/ giới thiệu tả ai?/ Dáng điệu, tóc tai/ Đôi môi, cặp mắt/ Cái mũi, làn da/ Áo quần, giọng nói/ Cử chỉ, ngoại hình/ Hành động, tính tình/ Có gì tả hết/ Khi đến phần kết/ Cảm xúc dâng trào/ Yêu mến thế nào/ Phải nêu cho rõ/ Nghe vẻ, nghe ve/ Nghe vè để nhớ!”. Chắc chắn chỉ cần đọc “Bài vè tả người” vài lần, HS sẽ thuộc để vận dụng, đồng thời còn gây được hứng thú cho các em khi bước vào tiết học văn tả người.
Đến tiết học tìm ý để xây dựng dàn bài chi tiết của một bài văn cụ thể như tả một người thân trong gia đình, giáo viên nên cho các em đem hình của người thân mà mình dự định tả vào lớp. Sau đó, thầy cô có thể cho HS trong lớp thảo luận nhóm đôi hay nhóm 4 để các em tìm những nét ngoại hình khác biệt giữa ba, mẹ, ông, bà… của em này khác với em kia như thế nào. Khi HS trình bày những nét khác biệt tìm thấy, nếu từ ngữ hay ý của các em tìm chưa phù hợp lắm, giáo viên hãy cho các em khác trong lớp góp ý và cuối cùng, thầy cô mới chốt lại các từ ngữ thích hợp nhất để miêu tả. Với cách tổ chức như thế, HS sẽ hết sức tích cực tham gia học tập vì em nào cũng muốn tìm những nét đẹp, nét nổi bật, sự khác biệt của ông, bà, cha, mẹ mình với người khác.
Với bài tả người bạn, giáo viên có thể cho hai HS khác giới tính đứng ở giữa lớp, cả lớp tìm ý để tả sự khác nhau về ngoại hình của hai em ấy. Sau đó, giáo viên thay bằng hai HS cùng giới tính để cho các em khác tìm từ, ý miêu tả. Đây là một hình thức nâng dần độ khó trong dạy văn tả người. Hai HS khác giới tính sẽ dễ tìm từ ngữ, ý tả ngoại hình hơn, chẳng hạn như HS nữ tóc dài, còn HS nam tóc ngắn; bạn gái mặc váy, bạn nam mặc quần tây dài… Nhưng với hai HS cùng giới tính thì buộc các em phải tìm được từ ngữ diễn đạt rõ ý hơn. Ví dụ: Hai bạn nam cùng tóc ngắn thì tả thế nào để thấy tóc hai bạn khác nhau… Tùy theo đề bài tả thầy cô giáo, tả em bé, tả cụ già… mà giáo viên yêu cầu HS chuẩn bị hình ảnh cụ thể để quan sát nhằm so sánh, tìm kiếm những từ ngữ thể hiện được ngoại hình của người cần tả.
Phần tả tính tình, thói quen… cũng là điều khó với HS tiểu học. Các em thường chỉ viết được những ý ngắn gọn như: “Bạn ấy hiền lành, tốt bụng, hiếu thảo”. Chính vì thế, giáo viên cần đặt các câu hỏi gợi ý để HS phải nêu được hành động, việc làm thể hiện được tính tình ấy. Ví dụ như: “Bạn ấy rất hiền lành, em chẳng bao giờ thấy bạn tranh cãi hay gây gổ với ai”, “Bạn rất tốt bụng, nhiều lần viết hư hay em quên bút màu để vẽ, bạn đều sẵn sàng cho mượn”.
Các giáo viên khi dạy văn tả người thường bảo rằng “khô họng, rát cổ” bởi các em HS thụ động phải giảng giải rất nhiều mà hiệu quả không cao. Một số biện pháp đổi mới trong giảng dạy trên sẽ góp phần làm cho HS thích thú, chủ động hơn trong học tập. Tiết dạy văn tả người sẽ không còn nhàm chán vì chỉ có giáo viên “độc diễn” mà lôi cuốn, sinh động hơn bởi có sự tham gia nhiệt tình của HS.
Lê Phương Trí
(Giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Các giáo viên khi dạy văn tả người thường bảo rằng “khô họng, rát cổ” bởi các em HS thụ động phải giảng giải rất nhiều mà hiệu quả không cao.
 

Bình luận (0)