Để giải quyết một tình huống trong nhà trường, người hiệu trưởng phải khéo léo, linh hoạt phù hợp với thực tế (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: A.Khôi |
Tình huống: Một buổi sáng, sau khi học sinh vào lớp học tiết đầu, một phụ huynh với sắc mặt thật giận dữ, đứng ngay cổng trường, yêu cầu bảo vệ cho vào gặp ban giám hiệu để trình bày vấn đề bức xúc “thầy tổng phụ trách có hành vi đánh con em họ”. Bảo vệ nhất quyết không cho phụ huynh vào trường. Phụ huynh ấy càng tỏ thái độ quá khích, lớn tiếng đôi co trước cổng trường. Nghe thấy thế, tôi – hiệu trưởng nhà trường – bước ra cổng hỏi bảo vệ có chuyện gì xảy ra. Bảo vệ trình bày câu chuyện để tôi nắm bắt tình hình. Sau đó tôi yêu cầu bảo vệ mở cửa và mời vị phụ huynh vào phòng để tiếp chuyện.
Giải quyết tình huống
Việc đầu tiên tôi mời phụ huynh ngồi vào bàn và dùng nước – mục đích để lắng dịu cơn tức giận, sau đó đặt vấn đề: “Xin lỗi anh vì bảo vệ nhà trường quá nguyên tắc, thực hiện đúng theo nội quy của trường mà không hiểu những bức xúc của anh. Mong anh hiểu và thông cảm! Tôi sẽ làm việc lại với bảo vệ phải linh hoạt, báo ngay cho ban giám hiệu khi có vấn đề cấp thiết. Tôi rất muốn được lắng nghe anh trình bày, tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc với thầy tổng phụ trách”.
Phụ huynh đã bắt đầu hạ nhiệt cơn nóng và trình bày: Sáng nay, con gái tôi học lớp 5/1 được chị gái đưa đến trường. Cháu đi vào sân trường và gặp thầy tổng phụ trách. Chị gái cháu đứng ngoài nhìn vào, thấy thầy tổng phụ trách túm cổ áo cháu gí vào kính chiếu hậu của một xe máy gần đó. Cháu thấy em gái nét mặt rất hoảng sợ nên đã điện thoại báo cho tôi hay. Tôi rất bức xúc vì thái độ không đúng mực của thầy tổng phụ trách nên đã vội vã đến trường để phản ánh. Tôi không cần biết con tôi có vi phạm nội quy gì của nhà trường mà chỉ thấy hành vi của thầy là thiếu văn hóa và không mang tính giáo dục nào cả. Tôi đề nghị nhà trường làm rõ sự việc, nếu không tôi sẽ thông báo cho báo chí biết rõ sự việc.
Nghe xong toàn bộ sự việc, tôi bắt đầu hỏi chuyện: “Thế anh đã được nghe con gái nói chuyện gì đã xảy ra với cháu chưa?”, phụ huynh bảo: “Chưa, tôi chỉ nghe chị cháu gọi điện thoại và nói rõ sự việc như vậy”. Tôi chân thành nói: “Trước tiên, là người đứng đầu nhà trường, tôi thực sự xin lỗi phụ huynh vì giáo viên và nhân viên của tôi đã làm phụ huynh bức xúc. Tuy nhiên sự việc này muốn giải quyết thỏa đáng cần phải lắng nghe thật đầy đủ lời kể của con gái anh, của thầy tổng phụ trách, của một vài phụ huynh hay nhân viên nhà trường chứng kiến lúc xảy ra sự việc. Hiện tại thầy tổng phụ trách đang bận công tác bên ngoài, không có ở trường để hỏi cho rõ sự việc. Vậy, anh có thể cho tôi mời con gái anh xuống gặp để kể rõ sự việc trước được không ạ?”. Phụ huynh đồng ý. Tôi cho mời em học sinh xuống phòng làm việc. Em kể: “Lúc sáng, thầy thấy con môi rất đỏ, tưởng con đi học mà tô son nên thầy dẫn con đến kính xe để xem. Con thấy thầy gọi lại nên sợ quá! Con đã giải thích với thầy là con uống nước ngọt S. nên môi con đỏ. Thầy dặn con không được uống nhiều nước ngọt ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đó thầy cho con lên lớp”. Phụ huynh nghe thế liền hỏi: “Thế thầy có túm cổ con gí vào kính không?”, em trả lời: “Thầy vịn vào gáy của con, dắt con đến chỗ kính xe”. Vị phụ huynh vẫn tiếp tục: “Thế sao mặt con lại quá hoảng sợ?”, “Dạ! Tại vì cứ nghe thầy gọi là con sợ mình lại vi phạm nội quy nhà trường nên con sợ”. Sự việc đã sáng tỏ. Tôi cảm ơn em học sinh và cho về lớp. Lúc này, phụ huynh hạ giọng: “Vì quá thương con nên tôi đã không kìm được bức xúc và tức giận. Mong hiệu trưởng thông cảm vì cha mẹ nào cũng xót con!”. Tôi bắt đầu cuộc trao đổi: “Chúng tôi rất hiểu tâm lý của phụ huynh, tình yêu thương đối với con cái đã khiến phụ huynh tức giận đến vậy. Chúng tôi rất cám ơn khi phụ huynh có sự quan tâm con em mình. Đây là lợi thế để nhà trường có sự phối hợp tốt với gia đình trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên, cách phản ánh của phụ huynh ngày hôm nay đã có không ít tác động xấu đến nhà trường, đến phụ huynh, đến thầy cô giáo và cả các em học sinh, chúng tôi rất mong được sự phản ánh và phối hợp kịp thời của phụ huynh trên tinh thần xây dựng và bình tĩnh. Nhà trường mong rằng sẽ luôn được phụ huynh tin tưởng khi gửi gắm con em”. Phụ huynh xin lỗi và ra về.
Phân tích
Theo lý thuyết tâm lý xã hội của Elton.W.Mayor “Sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý của con người như muốn người khác quan tâm, kính trọng… sẽ luôn ảnh hưởng tốt đến hiệu quả của lao động và quản lý” đã thể hiện rất rõ qua thái độ và hành vi của vị phụ huynh. Hiệu trưởng đã vận dụng đúng thuyết này vào việc giao tiếp với phụ huynh: Lắng nghe, phân tích, tôn trọng để từ đó giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý được phụ huynh tin tưởng. Mặt khác, hiệu trưởng cũng đã khéo léo vận dụng thuyết quản lý đối với năng suất lao động. Nếu như hiệu trưởng không xem xét, làm rõ sự việc để phụ huynh hiểu lầm thầy tổng phụ trách thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm của thầy. Thầy sẽ không có tinh thần để làm việc tốt. Sau sự việc này, thầy sẽ tự rút ra cho mình một bài học để có cách cư xử với học sinh thật đúng mực, không để xảy ra hiểu lầm đáng tiếc như sự việc trên.
Tóm lại, để giải quyết một tình huống quản lý trong nhà trường, người hiệu trưởng trước tiên phải nắm vững các kiến thức khoa học quản lý, vận dụng thật khéo léo, linh hoạt và phù hợp từng vấn đề, từng thời điểm, phù hợp với thực tế nhà trường… Để quản lý tốt phải luôn sáng tạo, nhạy bén. Kiến thức khoa học chỉ cung cấp lý thuyết, còn vào thực tế chúng ta sẽ phải gặp rất nhiều tình huống đa dạng, phong phú. Mỗi tình huống là một cách giải quyết riêng không có cách nào là khuôn mẫu cả. Chính vì vậy, quản lý là một hoạt động trí tuệ mà đòi hỏi người quản lý luôn trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm bản thân thì mới có thể thành công.
Huỳnh Thị Khánh Ly – Long Phụng Sơn
Bình luận (0)