Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sớm chấm dứt tình trạng nhà khoa học “khai khống”

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã chính thức giao cho Sở KH-CN TPHCM triển khai thí điểm mua sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 93. Giải pháp mới này kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng nhà khoa học “khai khống” chứng từ hóa đơn khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học còn nhiều rào cản

Cơ chế cũ đã lỗi thời

Theo ông Phạm Văn Xu, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TPHCM), nghiên cứu khoa học hàng năm được triển khai bằng cách đưa ra danh mục những lĩnh vực, công nghệ cụ thể cần nghiên cứu. Dựa vào đây, nhà khoa học sẽ đề xuất đề tài cụ thể và kinh phí dự tính cho quá trình nghiên cứu. Sau đó hội đồng khoa học do Sở KH-CN tổ chức sẽ thẩm định và chọn đề tài có hướng nghiên cứu thích hợp và kinh phí hợp lý để cấp tiền.

Tuy nhiên, cơ chế tài chính này đang khiến hoạt động khoa học gặp nhiều rào cản. Bằng chứng là giới khoa học luôn than phiền về việc đầu tư kinh phí dàn trải, manh mún với thủ tục tài chính rườm rà, trong khi những nhà quản lý lại cho rằng, rất khó có thể đầu tư nhiều hơn khi chất lượng nghiên cứu chưa đạt hiệu quả.

Một đại diện khác của Sở KH-CN TPHCM cho biết, năm 2012 chỉ giải ngân được hơn 45 tỷ đồng trong tổng số 83 tỷ đồng được duyệt cho nghiên cứu KH-CN. Năm 2013, con số này còn thấp hơn, chỉ giải ngân được hơn 25 tỷ đồng trong tổng số 80 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này do việc phê duyệt những đề tài được nghiên cứu trong năm luôn bị trễ. Từ giữa năm 2014, Sở KH-CN TPHCM đã thử nghiệm việc đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu nhưng hiện vẫn ách ở khâu giải ngân tại kho bạc nhà nước.

Giới khoa học cho rằng, để kiểm soát các khoản chi tiêu dành cho KH-CN, bảo đảm ngân sách chi đúng mục đích, không ít thông tư liên tịch giữa Bộ KH-CN và Bộ Tài chính đã được ban hành. Nhưng các thông tư đều có chung quy định ràng buộc mức hạn chi cho từng đề tài nghiên cứu. Việc phân chia như vậy rất bất hợp lý bởi nghiên cứu khoa học là lao động đặc biệt, khó đong đếm và định giá cụ thể.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, dẫn chứng, Nghị định 95 của Chính phủ (cụ thể một số điều trong Luật KH-CN năm 2013) có quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với các hoạt động KH-CN. Sau khi ký hợp đồng với Sở KH-CN địa phương, kinh phí sẽ được chuyển khoản thẳng vào tài khoản chủ nghiệm đề tài. Về lý thuyết sẽ giảm được các khâu hành chính, quyết toán rườm rà cho các nhà khoa học. Nhưng trên thực tế, hiện chính kho bạc nhà nước vẫn yêu cầu bản quyết toán chi tiết cuối cùng để kết thúc hợp đồng.

Coi nghiên cứu như cuốn sách khoa học

Tại cuộc họp với đại diện Sở KH-CN và Sở TT-TT TPHCM vào ngày 10-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà kể câu chuyện mua sắm ô tô và dịch vụ CNTT như một ví dụ điển hình: “Nhà nước muốn mua xe cũng phải ước định giá, rồi cho các đơn vị chào hàng, ai rẻ hơn thì mua. Cửa hàng rao giá 1 tỷ

* Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng:

"Hiện chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 95. Nếu có cũng sẽ theo các quy định có trong nghị định này. Nghĩa là, muốn mua được sản phẩm từ đề tài nghiên cứu, thì nhà khoa học phải bỏ tiền nghiên cứu trước rồi Nhà nước mới chi tiền mua sản phẩm. Đây là nút thắt lớn cho cơ chế đặt hàng hiện nay"

đồng thì mua 1 tỷ. Làm sao bắt họ phải có hóa đơn động cơ bao nhiêu tiền, bánh xe bao nhiêu tiền, khung sườn bao nhiêu tiền được. Rồi ta cộng các hóa đơn đó lại cho đủ 1 tỷ được.

Hay như câu chuyện mua phần mềm CNTT cách đây hơn 10 năm của TPHCM. Cứ đưa ra các nhu cầu, các đơn vị chào hàng, cho đấu thầu rồi mua sản phẩm. Các phần mềm là tài sản ảo, còn định giá và thực hiện đặt hàng được, thì các sản phẩm nghiên cứu KH-CN, vốn hữu hình, lại càng dễ thực hiện định giá hơn rất nhiều”.

Theo Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà, vướng mắc lâu nay xuất phát từ tư tưởng xem sản phẩm khoa học là hàng hóa đặc biệt, rồi áp dụng vào đó những quy định đặc biệt. Các đề tài nghiên cứu, cuối cùng vẫn phải cho ra các kết quả là sản phẩm. Đề tài nghiên cứu ứng dụng thì ra tài liệu, mô hình. Đề tài nghiên cứu cơ bản cho ra các bài báo khoa học. Giờ ta coi nó như một hàng hóa bình thường thôi, mua đề tài như mua cuốn sách khoa học. Chỉ có khác là thời gian “giao hàng” lâu hơn mà thôi. Việc chuyển sang đặt hàng, hay chỉ định thầu đối với đề tài nghiên cứu cũng chỉ là thay đổi cách quản lý kinh phí. Nhà khoa học không cần phải báo cáo chi bao nhiêu tiền cho cuộc họp, cho hội thảo, cho buổi nghiệm thu… “

Có bắt nhà khoa học cung cấp hóa đơn chi tiết, thì họ cũng phải nói dối, khai khống mới có. Nhà nước biết chuyện đó nhưng phải chấp nhận do quy định ràng buộc. Giờ phải thí điểm tìm hướng đi mới thì nghiên cứu khoa học mới có lối thoát”, ông Lê Mạnh Hà khẳng định.

Trước mắt, Sở KH-CN TPHCM phải nhanh chóng nghiên cứu những điều khoản để tiến tới mua sản phẩm nghiên cứu trong năm 2015, dựa trên Luật Đầu tư và Nghị định 93 đã quy định. Trong đó, cần định giá cho được giá trị sản phẩm nghiên cứu; hình thức chỉ định chủ nhiệm đề tài hay chào giá cạnh tranh sao đúng quy định nhà nước. Triển khai mà gặp vướng mắc với Cục Thuế, Kho bạc nhà nước thì lãnh đạo TPHCM và các sở ngành sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất cơ chế này.

TƯỜNG HÂN
(SGGP)

Bình luận (0)