Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vai trò của cha mẹ hiện nay ngày càng bị hạ thấp. Sự chênh lệch giữa các thế hệ dẫn đến một số bậc phụ huynh có quan niệm lỗi thời, lạc hậu so với thế hệ trẻ. Cụ thể, các bậc phụ huynh còn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của cơ chế cũ, vẫn tồn tại những tư tưởng bảo thủ, lỗi thời trong cách giáo dục con cái, đôi khi họ áp đặt người khác làm theo cách máy móc theo kiểu “cá không ăn muối cá ươn”.
Sự chênh lệch thế hệ còn thể hiện ở chỗ cha mẹ có xu hướng lạc hậu hơn con cái khi tiếp cận một số kiến thức khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chị Thảo Hương (giáo viên dạy mẫu giáo ở Q.Tân Bình, TP.HCM) thú nhận: “Trong khi tôi chưa biết các thao tác khởi động máy vi tính, thì thằng bé út trong nhà mới 6 tuổi đã thành thạo chơi các trò điện tử, và một số thao tác máy tính khá phức tạp”. Trường hợp khác, chị Hoàng Mai (ở Q.2) chia sẻ: “Dường như lúc nào tôi cũng phải quát tháo vì con gái không chịu nghe lời. Ngược lại, cháu cho rằng cha mẹ cổ hủ, lỗi thời, cấm đoán con cái một cách vô lý. Vô hình trung chúng tôi ngăn cản con trẻ khám phá ra những điều mới lạ”.
Hiện nay, không ít bậc phụ huynh thiếu kỹ năng chăm sóc, giáo dục con trẻ. Họ có thể không được trang bị một cách cơ bản, khoa học những kiến thức làm cha, làm mẹ. Ngoài ra, một bộ phận cha mẹ mặc dù có kiến thức, có trình độ học vấn nhưng lại yếu về kỹ năng chăm sóc, giáo dục con. Trong khi đó những bậc phụ huynh được tìm hiểu đều thừa nhận bản thân rất mâu thuẫn khi đối xử với con cái. Một mặt, vừa mong con trẻ biết tự lập, chủ động trước mọi hoàn cảnh. Mặt khác, lại mong sao chúng tuân theo những khuôn khổ mà cha mẹ đã vạch sẵn. Chẳng hạn, khi nghe đến game online, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho là không tốt cho sự phát triển của trẻ nên tìm mọi cách cấm đoán để dễ quản lý, kiểm soát con. Có được mấy người hiểu cho con cái rằng nếu trẻ không biết bất kỳ một trò chơi điện tử nào thì bị bạn bè cho là lạc hậu và sẽ bị tẩy chay. Trong khi đó, nếu nhận thức đầy đủ thì có thể nhận thấy một số lợi ích của trò chơi điện tử, nếu thỏa mãn một cách hợp lý sẽ hình thành tính linh hoạt về tư duy, ghi nhớ, giảm stress…
Chị Kim Lam (nhân viên văn phòng một công ty ở Q.2) cho biết: “Vợ chồng tôi luôn muốn con trai thi đỗ ĐH nhưng cháu lại thích học nghề để trở thành thợ sửa chữa điện tử. Mặc dầu cha mẹ phản đối nhưng cháu quyết tâm theo đuổi nguyện vọng của mình đến cùng, nên giờ đã trở thành thợ lành nghề có thu nhập cao. Đúng là để con cái tự quyết định tương lai thật khó”.
Lê Phạm
Bình luận (0)