Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chạnh lòng tết của giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày cuối năm, mọi người nô nức đi mua sắm tết. Còn giáo viên như tôi lại sợ những phiên chợ cuối năm lắm.

Người ta mua giò mua nem, mua đồ cúng tết và để thết đãi khách “nhẹ tựa lông hồng”. Còn tôi mua gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống để khỏi thiếu trước hụt sau.

Mủi lòng nhất là lúc con gái tôi đi học về kể rằng nhà bạn A ăn tết to thế nào, rồi bạn B được ba mẹ mua cho những bộ đồ đắt tiền. Nhìn ánh mắt thèm muốn của con, là người mẹ, tôi thấy buồn quá.

Trong những phiên chợ tết, tôi chẳng biết nên mua món nào, bỏ món nào khi mà tiền thưởng chỉ có vài trăm nghìn. Tết năm nào cũng vậy, đối mặt với bài toán sắm tết, số tiền thưởng tết bèo bọt của giáo viên chẳng biết làm sao cho cái tết thêm đầy đủ. Số tiền thưởng nhỏ nhoi ấy thực sự chẳng thấm tháp vào đâu.

Có lẽ với giáo viên, những phiên chợ tết luôn đơn giản nhất. Nhiều lúc thấy chạnh lòng khi nghe mọi người khoe đã “khuân” cả siêu thị về nhà rồi. Còn mình lúc nào cũng gói ghém trong khuôn khổ.

Thèm làm sao cảm giác được mua cho con một chiếc váy thật đẹp. Có lẽ chúng tôi lo đến những ngày tết nhất bởi vì những ngày này, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” càng rõ hơn bao giờ hết. Ngày thường đã phải vật lộn với đồng lương ít ỏi.

Ngày tết, chúng tôi lại càng phải đối mặt với nhiều lo toan hơn. Những cái tết thiếu thốn khiến người cầm phấn luôn cảm thấy mặc cảm, chạnh lòng. Nhưng làm sao chúng tôi có thể “chạy trốn” bài toán chi tiêu?

Chẳng bao giờ chúng tôi dám mong thưởng nhiều nhưng có lẽ ê chề nhất là năm nào, món quà “đi tết” nội ngoại của nhà tôi cũng không thể đơn sơ hơn được nữa. Nhiều lúc mong có ít đồng biếu ông bà cho đỡ tủi thân, cũng muốn mua cho bố mẹ cái áo mới diện tết, nhưng điều này gần như là không thể. Lưỡng lự đứng trước những món đồ tết đẹp, tôi chỉ biết thở dài rồi chép miệng đi qua.

Tết năm nào cũng phải “nói khó” với đôi bên nội ngoại: “Năm nay kinh tế khó khăn nên chúng con chẳng có đồng nào biếu tết ông bà”.

Đành rằng ông bà “thông cảm” cho mình, quý tấm lòng là chính nhưng vẫn thấy áy náy lắm. Cái cảm giác mình bị thua kém khi mừng tết bố mẹ mình thật khó tả. Lòng dặn lòng sẽ không ai trách mình đâu nhưng sao vẫn thấy tủi phận vì tết năm nào chả vậy?

PHI KHANH

(TTO)

Bình luận (0)