Việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh hiện nay là rất cần thiết, giúp các em biết cách xử lý các tình huống trong lao động, học tập và những vấn đề khác nảy sinh trong cuộc sống. Thực tế, nhiều đơn vị trong cả nước liên tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh và mang lại một số kết quả tốt. Phần lớn phụ huynh thừa nhận khóa học kỹ năng trong một thời gian ngắn đã mang lại nhiều điều cho trẻ như rèn luyện thể lực, phát triển trí tuệ, phát triển các phẩm chất đạo đức… Do vậy mà họ thường ủng hộ và kỳ vọng vào sự trưởng thành của con mình sau khóa học.
Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa tin tưởng và hài lòng vào các nội dung của những khóa học này mang lại. Và cũng còn nhiều tình huống trẻ vẫn phải đối diện với các nguy cơ mất an toàn. Con anh trai tôi năm nay đang học lớp 10 chia sẻ: Năm nào ba mẹ cũng cho cháu tham gia các lớp kỹ năng sống ở thành phố. Cháu thống kê một loạt những bài học tiếp thu được, nào là giao tiếp, tổ chức trò chơi tập thể, vượt qua thử thách, học làm nông dân, tổ chức các sự kiện, học kỳ quân đội… Tôi hỏi: “Vậy con đã biết bơi chưa?”, cháu… lắc đầu, rồi lý giải: Các thầy cô chưa dạy. Đúng là thật buồn, tôi nghĩ: Nếu sau một khóa học kỹ năng sống mà 100% các cháu biết bơi và biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác thì thật là giá trị. Hơn nữa, kỹ năng này thực sự bền vững khi được hình thành. Còn các nội dung các em đang học tuy đa dạng, sinh động nhưng vẫn chưa thiết thực, còn nhiều lý thuyết mơ hồ, chung chung. Và nhiều nơi vẫn còn nặng tính hình thức, phong trào, vui chơi, làm quen là chính. Dạy các em biết giao tiếp lịch sự, lễ nghĩa, học làm người, làm nông dân chăm chỉ… là có tính mục đích. Tuy nhiên, nội dung đó không thể hình thành chỉ trong vài tuần là có được (như lễ phép, khiêm tốn, yêu lao động…). Những hoạt động này chẳng khác gì học sinh phổ thông phải tiếp thu kinh điển, học thuyết nhưng chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”. Những giá trị, những hành vi, thói quen đó phải lặp đi, lặp lại, được rèn giũa, được kiểm nghiệm, được nhắc nhở, xử lý, trừng phạt, uốn nắn, định hướng, điều chỉnh… thì mới có thể hình thành một cách bền bỉ và vững chắc. Giáo dục cũng như rèn luyện các kỹ năng cần cả một quá trình. Không nên chạy theo phong trào. Hãy vì sự phát triển toàn diện và bổ ích điều đó mới mang lại nhiều ý nghĩa.
Nguyễn Văn Công (Biên Hòa, Đồng Nai)
Bình luận (0)