Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 1-4 đến 30-4

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-3, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn về thi THPT quốc gia gửi đến các địa phương. Dự kiến của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ ngày 1-4 cho đến ngày 30-4. Việc đăng ký dự thi vẫn thực hiện như việc đăng ký dự thi ĐH-CĐ trước đây: thí sinh đang học lớp 12 thì đăng ký dự thi tại trường THPT đang học; thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD-ĐT quy định. Thí sinh tự do có quyền đăng ký ở nơi thuận lợi cho việc đi lại.
Cũng theo PGS-TS Trần Văn Nghĩa, với những học sinh không được học ngoại ngữ (học sinh theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên), giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Như vậy, đối tượng không được học ngoại ngữ được phép chọn 2 môn tự chọn ngoài 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn. Sở GD-ĐT căn cứ điều kiện thực tế, quyết định đăng ký không thi ngoại ngữ và báo cáo UBND tỉnh.
Tuy nhiên, đối với những trường THPT không đảm bảo để dự thi ngoại ngữ nhưng thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi thì vẫn được phép. Những em học không đủ chương trình ngoại ngữ (chuyển trường), ví dụ trước học một ngoại ngữ rồi chuyển trường học sang ngoại ngữ khác thì làm đơn xin thi môn ngoại ngữ phù hợp. Thí sinh có chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ được tính điểm 10 ở mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên về cơ bản các em vẫn phải tham dự kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (trừ một số trường có thông báo chấp nhận chứng chỉ và quy đổi sang điểm).
PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho hay, phạm vi đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thời gian thi tự luận các môn toán, văn, sử, địa là 180 phút; thi trắc nghiệm các môn lý, hóa, sinh là 90 phút. Đối với môn ngoại ngữ thì Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có cả phần trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài môn ngoại ngữ vẫn là 90 phút. “Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH-CĐ. Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào khó để bố trí thời gian làm bài hợp lý”, ông Trần Văn Nghĩa khuyến cáo.
Cũng theo ông Nghĩa, nhóm câu hỏi dành cho mục đích xét tốt nghiệp sẽ có độ khó tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên của năm 2014. Trong đó, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc đến khối giáo dục thường xuyên, đảm bảo thí sinh lực học trung bình, thậm chí hơi yếu nhưng có sự cố gắng thì hoàn toàn làm được và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.
Với nhóm câu hỏi dành cho mục đích phân hóa kết quả thi, làm cơ sở để xét tuyển ĐH-CĐ thì cơ bản giống đề thi ĐH-CĐ 2014, gồm cả mẫu câu hỏi cơ bản và nâng cao. Các môn khoa học xã hội – nhân văn tiếp tục câu hỏi mở, vận dụng kiến thức thực tế, liên môn để làm bài; không bắt học sinh học thuộc nhiều. Điều này cũng đã được thể hiện rõ nét ở đề thi năm 2014. Đơn cử như môn văn, sử, địa thì dữ liệu được đưa ngay vào đề thi, nhiệm vụ của thí sinh là phân tích, bình luận. Đối với các môn khoa học tự nhiên, đề thi hướng đến việc yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức thực tế để giải quyết câu hỏi.

LÂM NGUYÊN

(SGGP)

Bình luận (0)