Sinh ra trong gia đình làm ruộng nối tiếp bao đời. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong thôn xóm, hàng ngày buổi chăn trâu buổi chia phiên cắt cỏ. Tôi thích đọc sách. Những ngày đi chăn trâu tôi đều mang theo sách báo cũ để đọc bất cứ ở đâu và ai cho mượn.
Nhà đông anh em, cha mẹ nghèo. Đó là tình cảnh chung nhiều gia đình của vùng đất duyên hải huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) quê tôi. Tôi không phàn nàn hoàn cảnh mà chỉ muốn lớn lên thoát khỏi cảnh ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vùng quê ấy, trai gái lớn lên là cha mẹ chỉ muốn con nghỉ học về dựng vợ gả chồng sớm để con cái yên bề gia thất làm ăn. Cũng nằm trong hoàn cảnh đó nên đến lớp 6 tôi phải nghỉ học giữa học kỳ I. Ngày ngày lam lũ với lũ trẻ trong xóm buổi chăn trâu, buổi cắt cỏ. Những lúc thả trâu trên đồng nhìn thấy các bạn con nhà có điều kiện đạp xe đi học trên đường trong tôi dấy lên sự buồn tủi cho bản thân mình lắm! Tôi chỉ một ao ước là được nằm trong thành phần đó. Thầy cô giáo dạy tôi hồi cấp I lúc bấy giờ cũng chủ yếu là người ở thị trấn. Nhìn thấy các thầy cô trên huyện về xã dạy học đi qua cánh đồng thả trâu ngày hai buổi mà tôi ngưỡng mộ vô cùng. Tôi ao ước được đi học, được trở thành giáo viên như thầy cô về quê tôi dạy học được nhiều người ngưỡng mộ, kính quý.
Một lần tôi đọc được câu nói của nhà văn có ý “Ở đâu có ý chí ở đó có con đường”. Câu nói ấy đã cho tôi quyết định học để thoát nghèo. Đầu năm học đó tôi tự nguyện đi bộ 3km đến trường cấp II xin học lại lớp 6. Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ mình ráng phải vượt qua khó khăn, buổi đi học buổi chăn bò cũng còn hơn thất học. Học để trở thành giáo viên. Ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, cản trở về hoàn cảnh. Tôi đi bộ từ nhà với chặng đường 3km, mẹ thấy con nhà hàng xóm có xe đi học cũng muốn cho tôi chiếc xe nhưng vay mượn rồi cũng chỉ được chiếc xe nữ sờn khung. Lên cấp III, nhà xa trường 10km, càng khó khăn nhưng tôi nhận được tình thương và sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm rất nhiều. Từ sự quan tâm học sinh nghèo của cô chủ nhiệm trong ba năm cấp III tôi lại càng nuôi dưỡng mơ ước trở thành giáo viên. Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào trường sư phạm và không lâu sau đó tôi đã trở thành giáo viên như mơ ước…
Quyết Lam (Giáo viên một trường THPT ở Bình Phước)
Bình luận (0)