Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sợ học môn giáo dục công dân lớp 10!

Tạp Chí Giáo Dục

Con tôi cũng từng học lớp 10, trong đó có bộ môn giáo dục công dân. Ở lứa tuổi 15-16 vừa bước qua tuổi thiếu nhi ham chơi ham ngủ, cháu đã được “hóa thân” làm người lớn ngay lập tức.
Giờ học môn giáo dục công dân đầu tiên đã khiến cho cháu và hầu hết các bạn trong lớp “tá hỏa tam tinh”. Đó là bài 1: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng. Tiếp đó là bài 2: Thế giới vật chất tồn tại khách quan; bài 3: Sự vận động và sự phát triển của thế giới vật chất; bài 4: Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng;bài 5: Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng;bài 6: Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng;bài 7: Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức;bài 8: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội;bài 9: Con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu phát triển của xã hội.
Thay vì học những câu chuyện cổ tích về lòng thương người hoặc những câu ca dao, tục ngữ nói về lòng hiếu thảo trong gia đình, tình thân ngoài xã hội một cách nhẹ nhàng thì các cháu bị dội những gáo nước lạnh triết học. Những kiến thức này chỉ có học vẹt máy móc mới trả bài, làm bài kiểm tra được; không thể hiểu và nhớ được ở lứa tuổi 15-16 của các cháu. Đúng như ai đó đã từng nói vui  rằng: Học triết học là con đường dẫn tới những giấc mơ. Bởi ngồi học những khái niệm này rất dễ buồn ngủ. Mà đã ngủ thì luôn có những giấc mơ!
Ngay cả thầy cô giáo dạy môn này cũng khá oải! Những khái niệm lẽ ra dành cho các bậc học cao hơn, cho những nhà nghiên cứu nay lại phải nhồi nhét những “thức ăn tinh thần” quá sức đối với học sinh lớp 10! Nhiều phen các cháu ngơ ngác trông đến tội nghiệp vì không hiểu khái niệm đó nói cái gì…
Theo tôi, học môn giáo dục công dân nên học từ những điều đơn giản, dễ nhớ, dễ nhập tâm; hóa thành hành vi, thành cách ứng xử đẹp trong cuộc sống.
Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)