Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường phải công khai thông tin về quy định xét tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 19-3, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tuyển sinh ĐH-CĐ. Nhiều thông tin mới nhất như hướng tổ chức thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2015, hướng dẫn công tác tổ chức tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, tập huấn hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia… đã được đưa ra bàn thảo.

Nhiều trường lo ngại về việc kiểm soát và điều chỉnh sai sót thông tin đăng ký dự thi của thí sinh.

Nhiều hướng dẫn cụ thể
Rất nhiều thông tin hướng dẫn tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ đã được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị để các trường nắm rõ.
Đối với thi THPT quốc gia 2015 Bộ GD-ĐT công bố như sau: Tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm (thời gian làm bài 90 phút). Trong đó, môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia 2015 bắt đầu từ ngày 1 đến hết ngày 30-4. Từ ngày 1 đến hết ngày 30-5, thí sinh đăng ký phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT tại các điểm nộp hồ sơ. Ngày 20-7, các hội đồng thi hoàn tất chấm thi và báo cáo gửi Bộ GD-ĐT. Chậm nhất ngày 25-7 báo cáo kết quả tốt nghiệp. Ngày 7-8 sẽ có tổng hợp kết quả xét tốt nghiệp.
Với tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể về thời gian xét tuyển cũng như các quy định trong khâu xét tuyển. Quy định chung là các trường phải công khai thông tin về quy định xét tuyển như chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với từng đợt xét tuyển, dành 75% cho các khối thi truyền thống, điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT (dự kiến ngày 1-8), điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Trong đó, xét tuyển nguyện vọng (NV) 1: từ ngày 1 đến 20-8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25-8). Các đợt xét tuyển NV bổ sung tiếp theo có thời hạn 20 ngày bắt đầu từ ngày 25-8 và kết thúc ngày 15-11.
Đối với các trường sử dụng kết quả THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT quy định chỉ xét tuyển những thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ (trong Phiếu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia ở mục 9 có phần yêu cầu này đối với thí sinh). Các trường tổ chức sơ tuyển và các trường có tổ chức thi môn năng khiếu, trước ngày 25-7 cần cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia về: danh sách thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển; danh sách thí sinh dự thi và kết quả môn năng khiếu. Trong thời hạn 20 ngày của đợt xét tuyển NV 1, thí sinh được điều chỉnh NV hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
Đối với các trường tuyển sinh riêng, tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng đã được bộ xác nhận bằng văn bản. Thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 31-10 với trường ĐH và 20-11 đối với trường CĐ.
Lo ngại phần mềm tuyển sinh
Sau khi nghe Bộ GD-ĐT trình bày các thông tin hướng dẫn, nhiều đại biểu của các trường, các sở GD-ĐT đã nêu những băn khoăn mà các hướng dẫn chưa tính đến.
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH – Sau ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM nêu 3 điểm chưa rõ đối với các cụm thi tại TPHCM: “Thứ nhất, ĐH Quốc gia TPHCM có được phân và bố trí thí sinh ở các điểm thi hay là do Sở GD-ĐT bố trí. Thứ hai, giấy đăng ký xét tuyển Bộ GD-ĐT nên ghi chi tiết hơn các nội dung như tên ngành (nhóm ngành), tổ hợp xét tuyển. Giấy đăng ký xét tuyển này là mẫu chung thống nhất cho các trường hay các trường có thể tự điều chỉnh hoặc thêm thông tin. Thứ ba, xử lý thông tin đăng ký của thí sinh ở ngày làm thủ tục dự thi do các cụm thi điều chỉnh hay phải do Sở GD-ĐT điều chỉnh”. Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại về quy định chấm phúc khảo, vì theo quy định hiện nay nếu số lượng bài thi chấm phúc khảo nhiều thì không làm xuể.
Theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, trong các cụm thi do trường ĐH chủ trì có đại diện các sở, các trường THPT và trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tại cụm thi do địa phương chủ trì lại không nói rõ các thành phần tham gia. Ngoài ra, điểm bảo lưu cũng cần tính kỹ hơn vì thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp gian lận đối với việc bảo lưu điểm.
Một điểm mới là trong năm nay việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, kiểm tra dữ liệu được thực hiện trực tuyến thông qua phần mềm của Viettel. Thí sinh sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, sau đó sẽ đến nơi nộp hồ sơ để được cấp password vào kiểm tra, đối chiếu thông tin. Quy định này cũng khiến nhiều trường băn khoăn: Nếu hàng trăm ngàn thí sinh truy cập cùng một lúc, liệu phần mềm có bị nghẽn hay không? Đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa, nhà mạng phải có phương án dự phòng khi có sự cố về mạng…
Trước hàng loạt ý kiến của các trường, các sở GD-ĐT, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cho biết sẽ tiếp thu và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định cụ thể và rõ ràng hơn. Trong hôm nay, Bộ GD-ĐT tập huấn phần mềm máy tính tuyển sinh 2015 cho các trường và các sở GD-ĐT trên toàn quốc.

Thanh Hùng

(SGGP)

Bình luận (0)