Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cấm tuyệt đối thi vào lớp 6: Lúng túng thực thi

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa chính thức khẳng định lại chủ trương “tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 và không đưa ra bất cứ ngoại lệ nào cho những địa phương muốn áp dụng hình thức thi tuyển riêng”. Vậy Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM chuyển đổi phương thức tuyển sinh mới như thế nào trước thực tế cầu luôn vượt cung nhiều lần?

Không phải học thêm để thi tuyển vào lớp 6, học sinh tiểu học sẽ có điều kiện sinh hoạt ngoại khóa nhiều hơn.

Tạo sự công bằng
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ không cho phép tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, nhiều sở GD-ĐT, trong đó có TPHCM vẫn hy vọng xin cơ chế đặc thù để duy trì kế hoạch tổ chức thi tuyển. Thế nhưng, giấy trắng mực đen tại công văn mới nhất đã nêu rõ: “Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6” buộc các địa phương phải tuân thủ, chủ động tìm phương án tuyển sinh thay thế phù hợp. Tuy nhiên, thời gian còn quá ngắn nên việc trở bộ của các sở GD-ĐT không tránh khỏi lúng túng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng vì phương án xét tuyển mới có đảm bảo sự công bằng, đạt chất lượng đầu vào?
Trên tinh thần đổi mới giáo dục và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/HNTW về việc “không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật, thể thao”, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đồng thuận với quyết định này. Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng Bộ GD-ĐT đã thể hiện quyết tâm, làm đúng những quy định hiện hành là xóa trường chuyên ở bậc THCS và tất cả các trường đều tuyển sinh theo phân tuyến địa bàn. Thực tế đã chứng minh, còn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thì còn học thêm, dạy thêm và áp lực này tiếp tục đè nặng trên đôi vai của học sinh tiểu học”. Ông Điệp cũng phân tích rằng không chỉ tạo áp lực căng thẳng, kỳ thi tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng chưa thể hiện sự công bằng khi đòi hỏi học sinh muốn dự thi phải có 5 năm liền là học sinh giỏi ở bậc tiểu học. Như thế, với những học sinh học giỏi thực sự, có năng lực nhưng vì yếu tố rủi ro nào đó mà không đạt học lực giỏi chỉ 1 năm thì vuột mất cơ hội được học. Hơn nữa, việc bỏ “mác” trường chuyên cũng cần thiết vì xóa bỏ đặc quyền của nó và thúc đẩy các trường THCS thi đua dạy tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Có thể nói suốt nhiều năm qua, việc cho phép tồn tại các trường đặc thù được phép thi tuyển vào lớp 6 như TPHCM, Hà Nội đã tạo áp lực học thêm, thi thố căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học vì tỷ lệ chọi 1/9-10. Chính vì thế, một số ý kiến cho rằng nếu đã cấm thi tuyển vào lớp 6 thì Bộ GD-ĐT cũng cần xem xét, nhất quán chủ trương không cho phép tồn tại loại lớp chuyên, trường chuyên hay chất lượng cao vì sẽ phát sinh tiêu cực trong xét tuyển. Vì thế, để xét tuyển mang tính công bằng cao, cần có phương án phù hợp, đánh giá, khảo sát năng lực học sinh một cách khách quan, khoa học. Đừng tạo thêm áp lực khảo sát bằng một hình thức thi thố khác khiến học sinh vẫn phải chạy theo, học thêm nhiều hơn.
TPHCM sẽ có phương án khảo sát tiếng Anh
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM sẽ có phương án thay thế phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Cũng theo ông Hoàng, việc này đối với sở không hề bị động vì ngay từ đầu năm học, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thảo luận, xây dựng phương án khảo sát năng lực học sinh một cách toàn diện chứ không dựa vào kết quả 3 môn thi Toán, Văn, tiếng Anh như mọi năm. Theo đó, ngoài khảo sát, kiểm tra năng lực tiếng Anh theo chuẩn trình độ của chương trình tiếng Anh tăng cường, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá kiến thức, năng lực theo hướng tích hợp các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Dự kiến trong tuần tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ trình UBND TP phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa và sau khi được phê duyệt chính thức sẽ có hướng dẫn cụ thể. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, phụ huynh không nên cho con học thêm, ôn luyện để chạy đua vào Trường Trần Đại Nghĩa như trước đây. Vậy thực tế thì sao? Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy nhiều phụ huynh vẫn cho con học thêm, ôn luyện ở các trung tâm và “lò” dạy thêm của thầy cô có uy tín. Nhiều tháng qua, những cô cậu học sinh lớp 5 vẫn phải è cổ ôn luyện kiến thức và tập giải đề thi vào trường chuyên này ở những năm học trước. Đơn giản là họ vẫn tin và hy vọng TP xin được cơ chế tuyển sinh lớp 6 riêng cho Trường Trần Đại Nghĩa.
Điều đáng nói là nhiều học sinh được cha mẹ đầu tư từ xa học thêm từ 2, 3 năm về trước để vượt vũ môn và họ tỏ ra tiếc nuối, lo lắng con mình không có cơ hội vào trường chuyên này. Thực tế này minh chứng rằng phụ huynh đang làm khổ con em mình, áp đặt mong muốn các em phải bước vào những ngôi trường có tên tuổi và thành tài.
Hy vọng chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi tư duy chọn trường cho con của các bậc phụ huynh. Nếu thấy con mình thực sự có năng lực, tự tin chọn trường chuyên ngữ hoặc trường trọng điểm thì hãy khuyến khích, còn không cứ để các em được học đúng tuyến, gần nhà.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)

Bình luận (0)