Sau khi tháo gỡ bế tắc ở khâu đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, giờ đây, nhiều trung tâm cai nghiện bắt buộc tiếp tục đau đầu với bài toán dạy nghề cho học viên.
Chưa hết thí điểm đã… lỗi thời
Từ đầu năm 2009 đến nay, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình (gọi tắt là Trung tâm Phước Bình), thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, đóng tại Đồng Nai, được giao thực hiện thí điểm đầu mối trong việc tổ chức dạy nghề cho các học viên đã có thời gian quản lý từ 16 – 18 tháng và người sau cai đã có thời gian quản lý từ 40 – 42 tháng từ các trung tâm khác chuyển đến. Trung tâm Phước Bình đang đào tạo 9 – 10 nghề như may công nghiệp, điện – điện lạnh, sửa xe gắn máy, gò hàn, tin học, thiết kế – quảng cáo, văn phòng… Học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp. Theo quy trình cũ (cai nghiện 24 tháng; quản lý sau cai từ 12 – 24 tháng), 6 tháng trước khi hồi gia, học viên và người sau cai từ các trung tâm được chuyển về Trung tâm Phước Bình để học nghề. Sự điều chuyển do Sở LĐTB-XH TPHCM và quận, huyện quyết định.
Học viên, người sau cai học thiết kế quảng cáo ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình.
Tuy nhiên, giờ đây theo quy trình mới (theo Luật Xử lý vi phạm hành chính), việc quyết định đưa người vào trung tâm cai nghiện là do tòa án phán quyết. Và từ đó đặt ra vấn đề: thẩm quyền quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn thuộc UBND quận, huyện nữa thì Sở LĐTB-XH TPHCM và các quận, huyện có thể ban hành quyết định “điều chuyển” người lòng vòng từ các trung tâm khác về Trung tâm Phước Bình như trước đây để học nghề? Vậy Trung tâm Phước Bình sẽ tổ chức dạy nghề ra sao? Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Đáo, Giám đốc Trung tâm Phước Bình cho biết, trung tâm đang quản lý, dạy nghề cho khoảng 500 học viên và người sau cai. Trước mắt, trong vòng 12 tháng tới, trung tâm vẫn còn “đầu vào” là nguồn học viên, người sau cai, hơn 2.000 người (những đợt cuối cùng theo quy trình cũ) từ các trung tâm khác chuyển đến học nghề. Còn sau đó, trung tâm cũng chưa rõ sẽ được phân bổ học viên ra sao; có sự điều chuyển nào không hay việc dạy nghề được chuyển đổi ra sao? Hiện cũng chưa rõ việc dạy nghề trong thời gian tới – khi hết nguồn học viên theo quy trình cũ, sẽ ra sao?
Đang… tính toán
Một khó khăn khác mà các trung tâm phải đối mặt là thời gian ở trong cơ sở chữa bệnh của các học viên không đồng nhất. Thay vì có khoảng thời gian 24 tháng như trước đây UBND quận, huyện quyết định, thì hiện nay, thời gian chấp hành quyết định xử lý hành chính của mỗi học viên do tòa án tuyên cũng khác nhau: có người 12 tháng, người 13 tháng, người 24 tháng… Việc phân bổ thời gian dạy và học như thế nào cũng đòi hỏi phải được phân chia một cách phù hợp.
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho biết, trước tình hình hiện nay có nhiều thay đổi trong quy trình đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chi cục đang tham mưu kế hoạch dạy nghề cho học viên, làm thế nào để phù hợp với tình hình thực tế. Các vấn đề như có chuyển đổi chức năng của Trung tâm Phước Bình hay không? Có tổ chức dạy nghề ngay tại các trung tâm như giai đoạn 2003 – 2008 (thực hiện Nghị quyết 16) hay không? Những ngành nghề nào được chọn lựa cho phù hợp với thời gian, điều kiện sức khỏe và trình độ của học viên đều chưa rõ ràng, giải pháp cụ thể còn đang tính toán. Ông Du cho biết thêm, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính không đề cập việc dạy nghề cho học viên. Nhưng thực tiễn đòi hỏi phải có. Phương hướng chắc chắn là TP sẽ luôn coi trọng, đầu tư cho công tác dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho học viên, người sau cai có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Ổn định việc làm cho người sau cai, người tái hòa nhập cộng đồng cũng có nghĩa góp phần kéo giảm tái nghiện một cách căn cơ.
Về việc dạy nghề cho học viên, ông Tạ Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động – Bảo trợ xã hội Phú Văn cho biết, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 16, Trung tâm Phú Văn có triển khai dạy nghề cho học viên. Từ năm 2009, khi dạy nghề được tập trung về đầu mối Trung tâm Phước Bình, Phú Văn vẫn giữ nguyên hiện trạng các phòng dạy nghề, gồm phòng dạy may, sửa xe Honda, điện tử… Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (cùng đóng ở tỉnh Bình Phước), 2 chuyền may công nghiệp gồm hơn 100 máy may các loại hiện đang đắp chiếu, không sử dụng trong mấy năm vừa qua. Lãnh đạo các trung tâm đều bày tỏ, trong tình hình mới, nếu TP có cơ chế, các trung tâm sẵn sàng thực hiện dạy nghề. Các trung tâm đã có kinh nghiệm trong những năm trước đây, chỉ có điều hiện máy móc, thiết bị dạy nghề điện tử đã cũ, lạc hậu. Nếu được giao chức năng dạy nghề, các trung tâm mong được đầu tư về trang thiết bị, học cụ.
Tại 3 trường giáo dục – đào tạo và giải quyết việc làm 1, 2, 3 (thuộc Lực lượng TNXP TPHCM) đóng tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, hoạt động dạy nghề vẫn được duy trì ổn định. Các nghề như may, may công nghiệp, điện gia dụng, sửa xe Honda, xây dựng, vi tính… trong những năm qua vẫn được tổ chức dạy ngay tại trường theo mô hình: cơ sở vật chất, an ninh trường đảm bảo; trang thiết bị, học cụ, giáo viên do Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP lo. “Máy móc, học cụ chuyển tới từng trường. Giáo viên sẵn sàng đi, sẵn sàng gắn bám với học viên” – ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP, cho biết. MẠNH HÒA |
ĐƯỜNG LOAN (SGGP)
Bình luận (0)