Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy và học lịch sử – đôi điều trăn trở

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tiếp cận các thông tin về chủ quyền biển đảo qua các hình ảnh sinh động. Ảnh: V.Yên
Tôi là một giáo viên (GV) dạy lịch sử bậc THCS nên rất buồn trước việc học sinh (HS) lơ là với lịch sử dân tộc. Hơn 27 năm giảng dạy, có thể nói chưa bao giờ tôi thấy HS xem thường bộ môn lịch sử như hiện nay.
Lỗi này không hoàn toàn ở các em mà chính cái nhìn lệch lạc, coi trọng những môn học sau này có thể làm ra nhiều tiền hơn những môn đề cao tính nhân văn mới nảy sinh tình trạng ấy.
1. Còn nhớ hồi mới ra trường tôi cảm thấy hào hứng khi giảng những bài lịch sử. Lúc đó, HS rất hứng thú học môn lịch sử, kể cả những em có học lực yếu kém. Có em lén đọc truyện trong giờ học cũng gấp lại để nghe giảng. Chưa hết, giờ ra chơi nhiều HS còn vây quanh hỏi thêm những chuyện xoay quanh một sự kiện lịch sử vừa học trên lớp. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bối rối trước cách đặt vấn đề của học trò mình. Rõ ràng đây là tín hiệu vui cho môn lịch sử vì các em có sự đầu tư suy nghĩ những vấn đề, hiện tượng lịch sử. Bây giờ nhớ lại chuyện cũ, tôi ngỡ như là… giấc mơ. Việc học lịch sử của HS bây giờ ví như một người ăn món nào đó, biết ngon nhưng cơ thể lại không hấp thụ được. Học trên lớp các em hiểu nhưng vài giờ sau hỏi lại chẳng nhớ gì cả. Rất nhiều người lý tưởng hóa về phương pháp dạy học mới, về khả năng nhận thức của HS, nhưng thử đến các trường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, “bám trụ” ở đây vài tuần sẽ thấy: Để các em chịu ngồi học và hiểu thôi cũng cả một vấn đề. Ngoài một ít em chăm chỉ, số còn lại lười tìm hiểu, không biết tự học mà theo thuật ngữ còn gọi là “sức ỳ của tư duy”. Ngành giáo dục tổ chức tập huấn GV cải tiến phương pháp, tạo cho HS chủ động tìm kiếm kiến thức (hay còn gọi là lấy HS làm trung tâm) vậy mà đến khi GV thực hiện đúng theo yêu cầu thì đón nhận những lời đề nghị phũ phàng: “Thầy nói luôn đi thầy ơi!” hoặc “Em không nhớ nữa”… Cái khó bây giờ là đa số HS thích nhận kiến thức một cách áp đặt hơn chịu suy nghĩ, tìm tòi. Các em rất sợ bị lạc đề do nền tảng kiến thức không vững.
Cái khó bây giờ là đa số HS thích nhận kiến thức một cách áp đặt hơn chịu suy nghĩ, tìm tòi. Các em rất sợ bị lạc đề do nền tảng kiến thức không vững.
2. Đi tìm nguyên nhân không khó nhận ra là ngay từ sách giáo khoa (SGK). Nội dung SGK vừa thừa, vừa thiếu: Dung lượng kiến thức “nặng”, dàn trải, khô cứng, những diễn biến chi tiết phức tạp, HS khó nhớ; thiếu các nhân vật lịch sử, các mốc lịch sử trình bày chưa trọng tâm. Bài viết trong SGK chứa đựng rất nhiều sự kiện nhưng hiếm có bài nào tường thuật sự kiện một cách cụ thể sinh động với những nhân vật được khắc họa đầy đủ. Kiến thức liên quan kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, SGK chỉ dạy nhiều về thiệt hại của địch. Những mất mát, hy sinh, bi hùng lại bị bỏ qua. Bên cạnh đó, cách viết SGK không phù hợp với lứa tuổi HS, nặng về chính trị, thực chất SGK lịch sử bậc phổ thông là tóm tắt lịch sử viết cho người lớn.
Trong khi đó phương pháp giảng dạy luôn bị áp đặt: Phải thực hiện theo phương pháp này kết hợp với phương pháp nọ… Thế nhưng đối tượng HS ở từng địa phương, từng lớp đâu phải giống nhau. Một thời gian dài nhiều người phê phán một số GV hay kể chuyện lịch sử theo bài học để ru ngủ HS. Thế nhưng những câu chuyện ấy mới chính là “chất xúc tác” để các em mau nhớ và hiểu bài hơn. Giả sử tường thuật một trận đánh mà chúng ta cứ ngắt quãng đặt câu hỏi: Tại sao quân ta lại đánh ở địa điểm A? Lối đánh của ta ở trận đó là lối đánh gì? Theo em lối đánh đó có phù hợp hay không?… chắc chắn HS sẽ mất hứng thú khi theo dõi bài tường thuật. Vả lại cách đặt vấn đề của GV như thế (người lớn cho là hay, động não HS), những người mới nghe qua tưởng HS là những nhà… quân sự. Thiết nghĩ để tự GV chọn cho mình phương pháp phù hợp, đúng thực tế của địa phương, của lớp nhưng vẫn đảm bảo được mục đích yêu cầu của bài là thích hợp nhất. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp từ phía GV. Bởi có không ít GV nguyện vọng trước đây của họ không phải làm GV dạy lịch sử. Việc đào sâu, tìm tòi kiến thức chỉ dừng lại ở SGK và sách GV. Trong khi đó, nội dung thể hiện trong hai quyển sách ấy vẫn còn nhiều điều đáng bàn bởi số liệu, sự kiện được các tác giả đưa vào khá nhiều (HS sợ học sử vì nhớ ngày tháng không xuể), chỉ truyền thụ thôi cũng không đủ thời gian khi mà tiết học được đóng khuôn, đo ni sẵn.
Học sinh không chịu đọc SGK
Hiện nay cầm quyển SGK, hiếm HS nào chịu đọc (hoặc chỉ xem lướt qua từ đầu đến cuối). Trong khi đó kênh hình ít, chưa hấp dẫn người học, tài liệu biên soạn chưa thực sự phát huy tính tích cực chủ động học tập của HS. Còn chương trình chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, chứ không vì mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.
3. Để khắc phục những hạn chế trên không gì khác hơn là phải mạnh dạn và cương quyết đổi mới chương trình và SGK ở các bậc học. Hãy để chính GV đứng lớp tham gia vào viết SGK, cách thể hiện văn phong trong SGK cũng phải phù hợp với tâm lý, đặc điểm của lứa tuổi, hết sức tránh tình trạng như hiện nay tức là “giáo trình ĐH được tóm tắt lại”. Bài học trên lớp càng có tác dụng cao khi được hỗ trợ bằng các hoạt động khác như (tự học ở nhà, tham quan học tập ở nhà bảo tàng lịch sử, nhà truyền thống địa phương, kết hợp các dạng hoạt động học tập như ngoại khóa, thực hành…). Bởi vì, nội dung và chủ đề hoạt động của các hình thức dạy học này phải bám sát với nội dung học chính khóa và phải đạt được mục đích giáo dưỡng, giáo dục, phát triển như bài học trên lớp. Ngoài ra, để HS thích học lịch sử, nâng cao chất lượng dạy và học, một mình ngành giáo dục đảm đương thì không đủ, phải cần nhiều ngành tham gia đưa lịch sử đến tất cả mọi người như điện ảnh, kịch nói, các nhà xuất bản…
Trong đời sống xã hội, lịch sử có tác dụng quan trọng không chỉ về trí tuệ mà cả về tình cảm, tư tưởng. Thế mà môn lịch sử có nguy cơ xa lạ với nhận thức và suy nghĩ của lớp trẻ. Điều đó thật đáng buồn nhưng cũng cảnh tỉnh chúng ta rằng: Giới trẻ hiện nay rất năng động, tiếp thu nhanh và rất sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng nếu không hiểu biết, không tự hào về lịch sử đất nước, xem nhẹ lịch sử thì không thể định hướng và không thể tìm đâu ra điểm tựa cho mình.
Lê Quang Huy
(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)
 LTSGiáo dục TP.HCM số ra ngày 16-3 có đăng bài Để xây dựng tốt chuyên đề dạy học trong bộ môn lịch sử. Sau đó tòa soạn nhận được bài viết của một giáo viên đề cập những trăn trở trong việc dạy – học môn này. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài viết.
 
Môn học bị xem nhẹ
Xã hội đang phát triển nhưng phương tiện phục vụ dạy và học đối với môn lịch sử ở nhà trường hiện nay quanh đi quẩn lại chỉ là những thứ đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều lúc cũng thật buồn cho bộ môn mình khi mà đầu năm học, môn lịch sử được cho là “dễ” nên khoán phải đạt từ 90% trở lên để “gồng gánh” các môn chính khác.
 
 

Bình luận (0)