Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi giáo viên dạy giỏi: “Cháo” chấm “cơm”!

Tạp Chí Giáo Dục

Ở địa phương chúng tôi đang vào mùa thi giáo viên (GV) dạy giỏi. Chưa nói đến chuyện những buổi dạy – diễn; riêng khâu chấm thì có nhiều điều chưa ổn.
Thông thường người có trình độ cao chấm người có trình độ thấp hoặc chí ít cũng chấm ngang nhau (kiểu cơm chấm cơm). Mấy năm gần đây, GV có trình độ thạc sĩ cũng tăng lên khá nhiều. Hầu như trường nào cũng có ở các bộ môn; có trường đạt tới gần 30% GV là thạc sĩ. Có tổ chuyên môn hầu hết là thạc sĩ, còn lại đang học hoặc chuẩn bị đi học sau đại học.
Nhưng hình như cấp trên chưa tin tưởng lắm nên các GV trẻ có trình độ thạc sĩ chưa được làm công tác chấm thi GV dạy giỏi. Ngược lại, có những GV thi đầu vào bị rớt vài ba lần, nản chí không học nữa thì nay được ưu tiên chấm thi GV giỏi. Thành ra người thi có trình độ thạc sĩ nhưng người chấm chỉ khiêm tốn dừng lại cấp cử nhân.
Chấm thi GV giỏi hàng năm cũng có “nhóm lợi ích” riêng. Người nào năm trước chấm gắt gao, trung thực thì năm sau “yên chí” ở nhà! Người nào chịu “nghe lời, ngoan ngoãn” thì “đến hẹn lại lên” đi chấm GV dạy giỏi khi vào mùa thi…
Chấm thi là đánh giá, nhận xét bài dạy; hồ sơ của người dự thi. Nhưng với kiểu “cháo” chấm “cơm” thế này liệu có tâm phục khẩu phục? Nếu là người giỏi chuyên môn sao thi đầu vào thạc sĩ lại rớt thẳng cẳng? Nếu giỏi chuyên môn sao không đi học sau đại học, có trình độ cao hơn để đi chấm thi? Với trình độ cử nhân thì làm sao có thể chấm trình độ thạc sĩ được? Hay chấm theo cảm tính hoặc theo một chuẩn khác ngoài chuyên môn?
Thạch Hoài Lam (Sóc Trăng)

Bình luận (0)