Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới dạy học trong điều kiện hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được chia theo nhóm trong một tiết học tại Trường TH Bình Trị 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) là vấn đề được đặt ra từ lâu nhưng đến nay số giáo viên dạy giỏi vẫn chưa nhiều và về lý luận thì vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu.
Mỗi thời kỳ khái niệm đổi mới PPDH lại có một nội dung riêng, gắn liền với môi trường và điều kiện tự nhiên – xã hội nhất định. Thí dụ, đổi mới PPDH hiện nay thì phải gắn liền với quá trình phát triển khoa học – công nghệ, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, với sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn mới. Vì vậy, nghiên cứu đổi mới PPDH hiện nay là cần thiết và có nội dung mới.
Sự điều chỉnh mục đích dạy học sẽ kéo theo sự thay đổi các yếu tố khác của quá trình dạy học như: Nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức, kiểm tra – đánh giá.Thí dụ: Về nội dung, đặc biệt về toán, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật phải có sự vươn lên mạnh mẽ để theo kịp các nước đã phát triển trước chúng ta hàng thế kỷ. Theo đó, chương trình các môn học này cần có sự điều chỉnh cần thiết để phù hợp với các nước tiên tiến thì mới thuận lợi trong giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, về khoa học xã hội thì phải phát huy thế mạnh của bản sắc văn hóa Việt Nam,giới thiệu những nét đẹp truyền thống của Việt Nam với bạn bè thế giới.Về kiểm tra, đánh giá phải dựa vào những tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng ta cần vận dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật hiện đại để đổi mới PPDH, bởi vì những thành tựu mới về công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt để người thầy nâng cao chất lượng dạy học: Lượng thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại; cho phép người thầy trình bày các vấn đề khoa học một cách trực quan, hệ thống và lý thú…
Muốn đổi mới PPDH thì điều đầu tiên là tích cực hóa được hoạt động nhận thức của học sinh. Điều đó sẽ bắt đầu từ tìm hiểu học sinh và tiến hành những biện pháp sau: Thứ nhất, kích thích hứng thú của học sinh. (Các em chỉ thích học khi hứng thú). Đây là trạng thái tâm lý rất nhạy cảm và tồn tại rất dài lâu ở mỗi con người: Từ trẻ 2-3 tháng tuổi đến cụ già 80-90 tuổi đều cười khi thấy hứng thú. Nhưng thường thì người ta hứng thú khi đứng trước một cái gì đẹp và hay. Thí dụ: Bông hoa đẹp, người thiếu nữ đẹp, phong cảnh đẹp, bài thơ hay, giọng hát hay, biểu diễn hay, bộ phim hay, câu chuyện hay… Do đó, một bài học hay được học sinh yêu thích và nhớ lâu khi nội dung phong phú và mới, nhưng cái mới thường phải gắn với cái cũ, phát triển cái cũ, gắn với thực tiễn, với cuộc sống và thỏa mãn nhu cầu; lời lẽ ngôn từ ấn tượng, súc tích, đẹp và hay; logic mạch lạc, rõ ràng, ngắn gọn; thái độ thân ái, cởi mở. Thứ hai, thỏa mãn nhu cầu của học sinh. Mọi người đến lớp đều mang theo một nhu cầu, đặc biệt đối với người học lớn tuổi, nếu nhu cầu của người học được thỏa mãn thì họ sẽ tích cực học tập. Vì vậy, cần lựa chọn nội dung, phương pháp học tập để đáp ứng điều kiện này. Thứ ba, tổ chức hoạt động cho học sinh. Theo đó, giáo viên tổ chức cho học sinh tự học tập, nghiên cứu nắm kiến thức – đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tích cực hóa hoạt động nhận thức. Khi tự học, học sinh chủ động nắm kiến thức theo phong cách riêng, với nhịp độ riêng, phù hợp với sở trường, năng lực và điều kiện mình có, nên việc học tập sẽ thích thú hơn, có kết quả hơn. Ngoài ra điều đó còn rèn luyện cho học sinh phong cách học tập suốt đời. Để học sinh tự học có kết quả, thời gian đầu cần có sự giúp đỡ của người thầy. Thông thường các thầy cô tổ chức một chuyên đề về “Phương pháp tự học” để bồi dưỡng lý luận, nâng cao nhận thức cho các em. Nhưng quan trọng và cụ thể hơn là hướng dẫn cho học sinh tự học qua một hệ thống bài tập và câu hỏi.
Ngoài ba biện pháp trên thường được áp dụng trong quá trình học tập, tính tích cực học tập của học sinh còn phụ thuộc vào ý chí, sức khỏe, môi trường tự nhiên và xã hội;trong đó tác dụng của gia đình và nhà trườnglà hết sức quan trọng. Vì vậy, để nâng cao tính tích cực nhận thức của học sinh cần có một kế hoạch dài hơi và toàn diện.
GS.TSKH Thái Duy Tuyên
(Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
 
Để nâng cao tính tích cực nhận thức của học sinh cần có một kế hoạch dài hơi và toàn diện.

Bình luận (0)