GV tham dự phần thi lý thuyết tại Hội thi GV giỏi năm học 2014-2015 do Trường TH Cổ Loa (Q.Phú Nhuận) tổ chức (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Quang
|
Thi giáo viên (GV) dạy giỏi là một hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục. Với bao thay đổi, thời gian gần đây, Hội thi GV dạy giỏi được tổ chức khá gọn gàng.
Những năm trước đây, thầy cô dự thi GV giỏi phải trải qua nhiều vòng thi với nhiều hình thức thì giờ đây, dường như chỉ gói gọn là phần thi lý thuyết (làm 1 bài trắc nghiệm hay tự luận) và phần thi thực hành là dạy 2 tiết. Hai tiết dạy thì thường là 1 tiết GV tự chọn và tiết 2 là bốc thăm chọn môn, chọn bài. Điều dễ dàng nhất cho người dự thi là được dạy học trò lớp mình, ngay tại trường mình. Cách thi này đã làm người dự thi cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn, không phải chịu nhiều áp lực và tốn nhiều công sức như trước đây. Vậy là cái cảnh GV phải vất vả ôm “một đống” đồ dùng dạy học từ trường mình sang trường bạn để dạy học sinh (HS) người khác như trước đây không còn. GV chỉ gặp HS trường bạn trước đó một ngày cũng không biết dặn dò thế nào, kiến thức cũ của HS trường bạn ra sao để thiết kế bài dạy cho phù hợp. Bây giờ, GV tha hồ “tung” tất cả các “chiêu” của mình để tiết học thật sinh động hấp dẫn. Đồ dùng dạy học hiện nay cũng không còn vất vả với thẻ từ, tranh ảnh, bảng phụ…, mà gần như tất cả GV dự thi đều dùng bảng tương tác (một số ít GV dùng PowerPoint). Các tiết dạy thật sự thu hút người dự bởi thiết kế bài giảng bằng CNTT.
Tuy nhiên, việc tổ chức gọn gàng như thế dường như đã làm cho Hội thi GV dạy giỏi không còn được sự quan tâm chú ý nhiều của tất cả GV. Bởi khá nhiều GV đoạt giải trong hội thi không phải là GV nổi bật về chuyên môn, có uy tín cao về giảng dạy trong thực tế ở trường. Điều đó thật dễ hiểu. Bởi các tiết dạy của GV dự thi đã được ban giám hiệu và GV cốt cán về chuyên môn của trường dàn dựng, góp ý. Thậm chí, có trường còn nhờ các chuyên gia tin học thiết kế bài giảng trên bảng tương tác hay PowerPoint để có nhiều hiệu ứng mới lạ. Vả lại, do GV dự thi dạy HS của mình, tại trường mình nên tha hồ dạy “nhuyễn nhừ như cháo”. Vậy là khi lên tiết dạy dự thi chỉ là “biểu diễn” những thao tác, lời nói, hành động… mà thầy cô và HS đã tập luyện trong thời gian dài. Đúng như lời một thành viên Ban giám khảo nhiều năm chấm thi GV dạy giỏi của một quận đã nói: “Bây giờ chấm GV dạy giỏi khi lên tiết dạy là chấm “cái duyên” đứng lớp và sự thành thạo trong sử dụng CNTT của thầy cô ấy mà thôi”.
Phải chăng chính vì muốn hội thi diễn ra gọn gàng nên đã làm nhẹ đi việc chấm kỹ năng sư phạm, khả năng chuyên môn, kiến thức… của người dự thi. Theo tôi, để hội thi có được kết quả chính xác hơn, được mọi người “tâm phục khẩu phục” thì tiết dạy thứ hai, Ban giám khảo sẽ dự giờ đột xuất GV dự thi: Chiều dự giờ thì báo sáng; sáng dự giờ thì báo chiều hôm trước. Ở tiết dạy thứ nhất đã được chuẩn bị chỉn chu, tiết dạy thứ hai dự đột xuất sẽ đánh giá được thật chính xác năng lực của GV dự thi. Có như thế, hội thi GV dạy giỏi mới đem lại sự náo nức, hồi hộp không chỉ cho thầy cô dự thi mà cho cả tập thể trường có GV dự thi. Kết quả của hội thi sẽ chính xác, công bằng hơn và sức lan tỏa của nó sẽ mạnh mẽ hơn hiện nay.
Lê Phương Trí
(GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Không thể đánh giá chính xác kiến thức, chuyên môn của GV
Với những tiết dạy đã được dàn dựng, luyện tập trước thì không thể đánh giá được chính xác khả năng kiến thức, chuyên môn, sư phạm… của các GV dự thi khi có những tình huống đột xuất xảy ra trong một tiết dạy bình thường như: Câu hỏi đặt ra không một HS nào trả lời được, GV sẽ phải ứng phó ra sao; HS nêu câu hỏi thắc mắc ngoài dự kiến trong thiết kế bài giảng thì GV trả lời thế nào; một hoạt động nhóm kéo dài thời gian quá dự kiến các em vẫn chưa làm xong sẽ được các thầy cô xử lý ra sao để không cháy giáo án… Có thể nói những tình huống bất ngờ ấy không xảy ra trong các tiết dạy của hội thi GV giỏi hiện nay.
|
Bình luận (0)