Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều trường không xét chứng chỉ ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường ĐH lớn ở Hà Nội, TP.HCM sẽ không xét tới các chứng chỉ của môn ngoại ngữ mà yêu cầu thí sinh dự thi môn này để có một mặt bằng chung nhằm thuận lợi trong khâu xét tuyển.

Phần lớn những trường ĐH lớn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh để xét tuyển – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết với những thí sinh (TS) khối D có chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục chứng chỉ mà Bộ GD-ĐT đã quy định), trường vẫn yêu cầu thi bình thường cùng với tất cả TS khác. “Lý do là bởi rất khó định lượng chứng chỉ của mỗi em. Có rất nhiều loại chứng chỉ khác nhau, chứng chỉ của mỗi em sẽ đạt ở những trình độ khác nhau, lượng hóa để quy đổi ra điểm thi như thế nào để tạo sự công bằng cho chính các em và cho cả những em dự thi?”, ông Sơn đặt vấn đề. “Còn dĩ nhiên, khi trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, chứng chỉ của các em sẽ được xem xét để được miễn học môn ngoại ngữ trong thời gian tương đương”, ông Sơn thông tin.

4.0 IELTS = 10 điểm xét tuyển ĐH
Ngược lại, ở một số đề án tuyển sinh riêng khác, cơ hội cho TS đạt điểm cao các chứng chỉ này rất lớn. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM công nhận mức điểm tối đa (điểm 10) của những TS đủ điều kiện miễn thi môn tiếng Anh và tiếng Nhật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Các TS này chỉ cần đạt IELTS 4.0 hoặc tương đương có thể lấy 10 điểm môn tiếng Anh. TS chỉ phải dự thi 2 môn còn lại trong kỳ thi THPT quốc gia để có kết quả xét tuyển trong tổ hợp có môn thi này. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng công nhận mức điểm 10 của 6 môn ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc) nếu TS xét tuyển vào trường có chứng chỉ quốc tế đạt từ mức điểm tối thiểu được miễn thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo quy định của Bộ. 

Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội, khẳng định: “Trường sẽ chỉ dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia với tất cả các môn trong tổ hợp môn thi tương ứng với khối D truyền thống chứ không miễn thi với môn ngoại ngữ cho những em đã có các chứng chỉ mà Bộ quy định. Sau khi trúng tuyển, căn cứ vào năng lực của các em, trường có thể cho học vượt, còn để tạo công bằng trong tuyển sinh thì tất cả TS phải dự thi”. Ông Hạnh nhấn mạnh: “Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là hai việc khác nhau. Giá trị của các chứng chỉ đó chúng tôi không phủ nhận, khi đã trở thành sinh viên rồi thì sẽ xem xét để được học vượt”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết TS có chứng chỉ ngoại ngữ vẫn phải thi bình thường do rất khó quy ra điểm theo các chứng chỉ khác nhau. Tương tự, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, thông tin: TS khối D muốn lấy kết quả xét Học viện Ngân hàng thì bắt buộc phải dự thi môn ngoại ngữ.
Tại TP.HCM, ngay với những trường quan tâm tới các chứng chỉ này cũng chỉ ưu tiên xét tuyển. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thông báo chỉ ưu tiên xét tuyển với TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong trường hợp số TS đồng điểm nhiều hơn chỉ tiêu cần xét. Trong khi đó, một số trường tuyển thẳng TS diện này nhưng với điều kiện khá cao.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dành 20% chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh để xét tuyển thẳng TS đạt điểm IELTS quốc tế nhưng từ mức điểm 6.0 trở lên hoặc tương đương. Tuy nhiên, các TS này phải tốt nghiệp THPT năm 2015 và có điểm trung bình học bạ môn toán và môn văn đạt từ 6.0 trở lên. Một trong hai phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Hoa Sen là xét tuyển TS có chứng chỉ Anh văn quốc tế đạt IELTS 6,5 hoặc TOEFL iBT 89 trở lên (với các ngành ĐH) và IELTS 6,0 hoặc TOEFL iBT 80 trở lên (với ngành CĐ). Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông, TS phải tốt nghiệp THPT và đạt điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, 11, 12 từ 6 trở lên (với bậc ĐH) và từ 5,5 trở lên (với bậc CĐ).

Quý Hiên – Hà Ánh 

(TNO)

Bình luận (0)