Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cậu Ba của tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Má tôi và cậu Ba là chị em con bác con chú. Lên năm tuổi, cậu mồ côi mẹ, má tôi lại mất cha năm bà mới 12 tuổi. Dù không phải là chị em ruột nhưng hai người thân thiết, gắn bó với nhau từ thuở nhỏ. Để phụ giúp bà ngoại, từ sáng sớm má tôi phải đội thúng xôi nhỏ đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Biết cậu Ba thích uống nước chanh, thỉnh thoảng má lại dành vài đồng mua gói đường cát pha nước chanh cho cậu uống. Càng lớn cậu càng đẹp trai và thông minh, từ thời tiểu học đã nhận được học bổng của trường Tây và sau đó được đi du học ở Pháp.

Năm tôi lên bảy tuổi, cậu Ba về thăm nhà và không quên ghé thăm gia đình tôi. Chào má xong, cậu liền quay qua tôi hỏi: “Con Hương năm nay bao lớn rồi?”. Má nhanh nhảu: “Giờ nó là con Hân, nhỏ đau bệnh hoài nên tôi sửa lại tên đó”. Mặc dù lúc đó còn bé tý, nhưng tôi thích thú lắm vì dù cậu đi xa mà vẫn nhớ rõ tên tôi và còn nhắc tới những kỷ niệm mà cậu giữ mãi trong lòng. Bắt đầu từ đó, tôi đã có cảm tình với cậu Ba.

Mấy năm lên Sài Gòn học trường kỹ thuật, tôi thường ghé thăm nhà cậu ở 244 đường Bà Huyện Thanh Quan. Phòng mạch tư của cậu lúc nào cũng đông người. Những bệnh nhân là dân nghèo chạy xe xích lô, bán hàng rong… cậu không chỉ không lấy tiền mà còn cho thuốc, nhiều khi đến tận nhà để thăm bệnh. Có khi mệt quá, đến bữa cậu ăn uống qua loa rồi ngả lưng một chút, chân còn để nguyên đôi giày chìa ra khỏi giường. Nhìn cậu ngủ mà tôi cảm phục, lòng tràn ngập yêu thương. Mợ tôi lúc nào cũng than: “Ổng coi bệnh nhân hơn vợ con, con đau mà bỏ đi thăm bệnh hoài”. Lên Sài Gòn sống, con cháu lớn nhỏ xa gần ở đâu cậu cũng tìm kiếm để thăm hỏi.

Khi cậu Ba mất, bà con trong họ tôi dù ở xa hay gần đều về đông đủ để đưa cậu về nơi an nghỉ cuối cùng. Ai cũng ngậm ngùi thương tiếc mãi một con người luôn ấm áp, nhân hậu…

Trần Ngọc Hân

Bình luận (0)