Mùa đông năm 1946, gia đình chúng tôi rời Vũ Gia Trang về làng Tây Mỗ mấy ngày, rồi xuôi thuyền về làng Quần Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Quần Tín là một làng nhỏ ở huyện Thọ Xuân, chợ Hà Lũng cách làng khoảng 2 cây số, ở đó còn có một bệnh viện.
Cuối năm 1947, thành lập Đoàn văn hóa kháng chiến Liên khu IV, do nhà văn Đặng Thai Mai phụ trách. Quần Tín trở thành nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ cùng với gia đình họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Phạm Văn Đôn, gia đình nhà văn Nguyễn Đình Lạp, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà viết kịch Chu Ngọc, nhà văn Trương Tửu… và gia đình chúng tôi- nhà văn Vũ Ngọc Phan.
Các họa sĩ đã mở lớp dạy vẽ, sau được gọi là Phân trường Mỹ thuật Liên khu IV. Nhưng rồi đến cuối năm 1951, các anh chị lên Việt Bắc và trường cũng tạm dừng, học viên chúng tôi đến năm 1952 cũng lên Việt Bắc. Các họa sĩ có xưởng họa ở đó đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng: Tình quân dân – tranh sơn mài của Sỹ Ngọc, Mẹ con-phù điêu của Nguyễn Thị Kim, Du kích Cảnh Dương của Phạm Văn Đôn…
Lớp văn nghệ kháng chiến được tổ chức hai khóa ở Quần Tín. Nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi đã đến giảng dạy ở lớp này. Cha tôi cũng là một giảng viên của lớp. Nhiều học viên của lớp là cán bộ của Liên khu về học, sau trở thành nhiều nhà văn, họa sĩ có tên tuổi.
Gia đình nhà chúng tôi là gia đình đông con nhất nên đời sống cũng khó khăn. Đến cuối năm 47, cha mẹ tôi nhờ đất nhà chị Cò Chắt, dựng 3 gian nhà lá và nhận làm bột giấy cho xưởng giấy Đông Minh. Lúc đó ông Hoàng Văn Chí làm giám đốc. Ông Chí là chồng dì tôi, bà là Lê Hằng Phấn, tôi gọi ông bằng cậu. Xưởng giấy Đông Minh ở Quần Kênh, đi dọc theo con mương khoảng 6 cây số tới nhà máy. Ông ngoại tôi và các dì tôi đều ở đó. Sau bà Lê Hằng Phấn là bà Lê Hằng Huân và Lê Hằng Trang. Các dì tôi đều làm việc trong xưởng giấy. Bà Hằng Phấn rất xinh đẹp, họa sĩ Sỹ Ngọc đã vẽ cho bà một bức chân dung bằng sơn dầu, nay đã thất lạc. Đáng tiếc! Dì Hằng Huân cũng xinh đẹp, trầm tính và ham học hỏi, dì tôi thường giúp tôi và dì Trang học tập, bọn chúng tôi gọi dì là “học giả”.
Bộ Tư lệnh Liên khu IV đóng ở gần đấy. Tướng Nguyễn Sơn là người am hiểu và yêu văn học nghệ thuật, vì thế ông luôn muốn tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ làm việc và sáng tạo tác phẩm. Khi ông đặt vấn đề với dì tôi, bà Hằng Huân, bà còn trẻ lắm, mới 23 tuổi. Nhưng bà cũng hâm mộ tài năng của ông nên đã nhận lời.
Có thời gian, Liên khu bộ đóng tại làng Quần Tín, sau khu rừng nhỏ. Ông Sơn và dì tôi còn hay đến dự những buổi sinh hoạt câu lạc bộ của Đoàn văn hóa kháng chiến. Ông còn nói chuyện văn nghệ với lớp văn nghệ, về Truyện Kiều, ông đã nói rất sôi nổi, phân tích về văn chương cũng như nhiều sự việc của Truyện Kiều. Những nhân vật của Truyện Kiều đã phản ánh một cách sâu sắc xã hội và tâm lý con người của nhân dân ta. Rất nhiều bạn trẻ chăm chú nghe ông nói, trong đó có cả tôi là một cô gái yêu văn học.
Tướng Nguyễn Sơn là người có tài về quân sự, có hiểu biết sâu rộng về văn học nghệ thuật, ông sống vui vẻ và quý trọng gia đình nhà vợ. Khi gặp cha tôi, hai ông cùng nhau nói chuyện về văn chương say sưa không dứt. Ông Sơn nói với cha tôi: “Tôi ham mê quân sự như thế nào thì cũng ham mê văn nghệ như vậy”. Lúc gặp các cháu, ông rất cởi mở, hỏi thăm việc học hành của các cháu. Chúng tôi lại rất thích khi trông thấy ông cậu phi ngựa như bay trên bờ đê Nông Giang, hoặc đi xe đạp bỏ cả hai tay, một tay cầm điếu thuốc vì ông hút thuốc lá rất nhiều.
Bộ Tư lệnh Liên khu tổ chức đại hội diễn tập quân sự. Tôi theo mẹ tôi (nhà thơ Hằng Phương) và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng đến dự. Ở đó hai ngày, chúng tôi trở về Quần Tín, cách nơi diễn tập hơn 20 cây số. Ông Sơn có con ngựa đẹp, ông vẫn hay cưỡi con ngựa ấy. Tôi nói với ông: “Cậu có con ngựa đẹp thật!”. Ông liền bảo tôi: “Cháu có thích đi ngựa, cậu cho mượn”. Và ông bảo một anh giám mã đi theo.
Tôi cưỡi ngựa thấy thích và hay hay tuy nó cũng cho tôi rúc vào bụi cây mấy lần. Lúc về gần đến làng, qua một cái cầu tre, lẽ tôi phải cho ngựa lội qua vì mương cũng nhỏ thôi, nhưng vì không có kinh nghiệm, tôi cứ dắt nó qua cầu tre thế là ngựa bị thụt chân vào khe cầu. May có mấy ông người làng, tháo thanh cầu, ngựa mới nhảy xuống nước qua được. Anh giám mã về đến nơi phải lấy lá đắp những chỗ ngựa bị xước chân. Mấy hôm sau gặp anh, tôi hỏi xem ông Sơn có bảo gì không, anh nói: “Con ngựa quý của ông đấy. Nhưng ông chỉ thương nó, không nói gì cô cả”. Từ đó tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện mượn ngựa của Tướng Nguyễn Sơn nữa.
Những năm cậu Sơn và dì tôi sang Trung Quốc, dì cháu tôi thường gửi thư và ảnh cho nhau. Nhiều lúc cũng thương dì tôi, tuy đã có mấy con xinh xắn, gia đình hòa thuận, nhưng vẫn nhớ nhà ở Việt Nam.
Mấy năm sau, nghe tin Tướng Nguyễn Sơn, dì tôi và các cháu về nước, cả nhà đều vui mừng nhưng lại không ngờ ông đang mệt nặng. Dì tôi kể chuyện khi ông về đến Việt Nam, mừng mà rưng rưng nước mắt. Sau thời gian ngắn, tôi vào bệnh viện thăm ông, trông ông gầy và yếu.
Sau khi ông mất đi, dì tôi còn trẻ lắm, với bốn người con còn thơ dại. Dì tôi ở vậy nuôi con và luôn nhớ đến người chồng mà dì kính yêu đến trọn đời. Cha mẹ tôi luôn gần gũi dì tôi, mong muốn tình cảm chị em có làm dì tôi nguôi đi nỗi mất mát quá lớn lao này.
Thời gian đã qua đi nhanh chóng, những người thân trong gia đình người còn, người mất. Nhớ lại những năm tháng kháng chiến ngày trước, nhớ lại hình ảnh của Tướng Nguyễn Sơn- cậu tôi, một vị tướng lẫy lừng mà thật bình dị và gần gũi, thân thương trong gia đình. Tình cảm của tôi với những người thân không bao giờ phai nhạt trong ký ức.
PGS – họa sĩ VŨ GIÁNG HƯƠNG (Theo SGGP)
Bình luận (0)