Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con học chia sẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Con đã lên 8 nhưng chị Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn không yên tâm về bé một chút nào. Ở trường, cô giáo thường xuyên “mắng vốn” là bé không hòa đồng. Ở nhà, từ trẻ hàng xóm đến các anh em họ của bé cũng chẳng ai dám chơi cùng. Không chỉ thế, bé còn tỏ ra “khó gần gũi” trước cả ông bà, bố mẹ.
“Ươm” một hạt mầm nhân ái cho con trẻ!
Nhiều bậc phụ huynh rơi vào trường hợp tương tự chị Thanh luôn đổ lỗi đó là tại bản tính sẵn có của trẻ, chứ không biết rằng muốn trẻ nhân ái, biết sẻ chia nhường nhịn, cha mẹ phải dạy bảo đúng cách từ thuở ấu thơ!
Thực tế, trẻ em thuộc nhóm đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đứa trẻ nào ban đầu cũng như tờ giấy trắng, đúng với câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng cũng chính vì như tờ giấy trắng nên trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm ngay những thói hư tật xấu, những màn đánh đấm bạo lực trên tivi, game, truyện tranh. Khi cha mẹ ít quan tâm, trẻ có cảm giác mình thiếu tình thương và cũng trở nên ích kỷ, mất hẳn khái niệm quan tâm người khác. Nhiều trẻ bỏ nhà đi bụi. Nhiều trẻ xử sự độc ác với em của mình, bắt nạt bạn bè, tổ chức đánh đấm “dằn mặt” nhau để chứng tỏ “vị thế”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, nhưng một trong số đó, không thể không kể đến sự thiếu quan tâm giáo dục về lòng nhân ái cho các em.
Cô Lý Thị Mai – một chuyên viên tư vấn tâm lý dành rất nhiều tâm huyết với vấn đề này từng khẳng định: “Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ được xem là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Lòng nhân ái giúp các em biết yêu thương, quý trọng con người, biết xử lý các tình huống trong quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người ngoài xã hội… một cách vị tha, nhân hậu”.
Không chỉ thế, lòng nhân ái là cơ sở của những đức tính tốt như sự hy sinh, lòng dũng cảm và là nền tảng cho sự phát triển cả về tài năng. Sở dĩ có được điều này là vì khi trẻ nỗ lực làm những việc tốt, chia sẻ với người khác thì đồng thời trẻ cũng học được từ quá trình ấy sự linh hoạt, tính sáng tạo, nuôi lớn cảm xúc, tăng cường khả năng giao tiếp, xử lý tình huống…
Hãy giúp trẻ bắt đầu từ những hành động nhỏ
Tuy quan trọng như vậy, nhưng đối với trẻ em, khái niệm “nhân ái”, “chia sẻ” là một khái niệm trừu tượng và rất khó hình dung. Để ươm cho trẻ một hạt mầm nhân ái, cần giúp trẻ “hành động”, “lao vào cuộc” bằng từng việc làm nhỏ, gần gũi ngay trong tầm tay trẻ.
“Không nên bảo trẻ cần phải sống nhân ái, chia sẻ với mọi người theo kiểu chung chung. Thay vào đó, các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con làm từng việc nhỏ ngay trong nhà. Ví dụ như khi trẻ biết chăm sóc ông bà chén cơm, ly nước, biết đấm lưng cho ông, biết quét sân cho bà thì nghĩa là trẻ đã bắt đầu bớt nghĩ đến mình và quan tâm hơn đến mọi người rồi. Ngay cả các con vật nuôi trong nhà, cũng có thể hướng dẫn trẻ chăm sóc chúng theo một cách an toàn. Ví dụ như phụ huynh có thể khuyến khích con tự tay xếp hộp, “làm nhà” cho mấy con mèo con. Tất cả những việc làm ấy như hạt mầm lớn dần, khiến trẻ sau này lúc nào cũng biết quan sát, giúp đỡ và nghĩ đến người khác…”, cô Ngọc Anh – giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TP.HCM cho biết.
Các nghiên cứu khoa học về tâm lý trẻ đều khẳng định rằng: Lòng nhân ái luôn có sẵn trong tâm hồn trẻ thơ, vấn đề là chúng ta phải biết phát hiện, nuôi dưỡng, vun đắp cho nó phát triển bằng hành động. Có thể nhiều phụ huynh “xót” con khi thấy con hồ hởi cùng ông bà gom lá, quét vườn đón Tết, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng thay vì ngăn cản và bảo bọc trẻ trong một vỏ bọc ích kỷ, hãy vượt qua cảm giác ấy để khuyến khích con làm, để nhìn những nụ cười rạng rỡ của con và biết rằng trẻ có thể học được rất nhiều chính từ những việc làm vì người khác.
Từ trong gia đình, lòng nhân ái của trẻ sẽ lớn dần lên cùng với các em, mở rộng ra trường lớp, bạn bè, họ hàng, làng xóm và xã hội. Với bản thân trẻ, chính việc chú ý đến mọi người quanh mình dần hình thành cho trẻ những cảm xúc tích cực, yêu đời. “Những em có lòng nhân ái, biết sẻ chia và biết làm những việc vì người khác, lúc nào cũng nhanh nhẹn, thông minh, linh hoạt, bản lĩnh, giỏi xử trí những tình huống bất ngờ và lạc quan hơn những trẻ em khác. Những đứa trẻ ích kỷ chỉ luôn được cha mẹ bao bọc với quá nhiều điều kiện vật chất hay trong môi trường sống khép kín, chỉ có những trò chơi điện tử, truyện tranh bạo lực, một cuộc sống ảo không thể có khái niệm về nhân ái và sự chia sẻ, cảm thông với mọi người” – tiến sĩ Trần Đình Thuận, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định.

Quỳnh Hương

Bình luận (0)