Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngôi nhà xa lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa

Cứ lang thang vô định mãi như vậy, mãi đến khi đường phố đã lên đèn, Thuỷ mới chợt nhớ đến bé Lan, đứa con gái mới bốn tuổi chắc đang được cô giáo nhà trẻ tạm gửi lại phòng thường trực. Con bé sẽ khóc đến hết nước mắt vì mong đợi điều mà những buổi chiều trước đây nó luôn được bố Quý đón đúng giờ…

 

Vợ chồng Quý được mọi người khen “hình như ông trời tạo ra họ để chỉ dành cho nhau”, đẹp đôi, cao ráo, khoẻ mạnh, tế nhị và lịch lãm. Lại là những người có chuyên môn cao, Quý ra trường và làm việc ở cơ quan này trước Thuỷ ba năm.

 

Thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát nên chỉ ba tháng vào làm việc được Quý dìu dắt, Thuỷ đã có khả năng độc lập tác chiến, như lời Trưởng phòng nhận xét.

 

Quý nhau vì tình lại phục nhau vì tài, họ đến với nhau như một điều tất yếu. Thương yêu, tôn trọng, thậm chí có tiếng vào loại “râu quặp nịnh vợ” đến mức anh em trong cơ quan có lúc bỗ bã trước mặt: “Cậu Quý vào loại nhất vợ, nhì giời”, nghe được điều đó Thuỷ cũng cảm thấy hãnh diện, và hình ảnh về hạnh phúc của họ cũng là tấm gương cho bao nhiêu gia đình trẻ khác ước ao.

 

Cách đây ba năm, nghe lời bạn học cũ, Thuỷ xin thôi việc ở cơ quan này để chuyển sang làm một Công ty nước ngoài khác, với hy vọng được đánh giá đúng tài năng hơn, đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn hiện tại.

 

Quý tuy rất tôn trọng sự lựa chọn của vợ nhưng cũng nói cho Thủy biết về những người đã bị thất vọng khi làm việc với họ. Quý chỉ dặn: “Hãy nghĩ cho kỹ cũng chưa muộn và nhớ rằng chẳng ai cho không ai cái gì cả”.

 

Thời kỳ đầu, Thuỷ cảm thấy thú vị vì được chủ khen, cùng với tiền bạc khá dư dật, nhưng ít lâu sau vừa thấy mệt mỏi lại thấy mua sắm được nhiều thứ vật dụng tiện nghi trong nhà hơn chồng, Thuỷ tự cho những lúc ở nhà là thời gian cần thiết để thư giãn, mọi công việc ban đầu được Thủy nhẹ nhàng nói với chồng: “Anh ạ? giúp em một tay với”. Lâu dần việc này như là một sự phân công tất nhiên cần như vậy mới thoả đáng.

 

Lời ăn tiếng nói của Thuỷ với bố mẹ, anh em nhà chồng đã có phần khác trước, đồng tiền đã có thể được đem ra cân đong đo đếm thay cho tình cảm.

 

Mẹ chồng ốm nằm viện, Thủy kêu mệt không đi thăm mà còn bảo chồng: “Thời gian bây giờ là vàng, ngọc. Anh đại diện đến thăm mẹ cũng được, các cụ ngày nay cũng phải thông cảm cho con cháu chứ. Cụ cần gì anh cứ chi, cứ có tiền là có thuốc tốt, chóng khỏi bệnh”.

 

Thuỷ quên mất câu “một mặt người bằng mười mặt của”, vả lại anh em nhà Quý cũng đều ăn nên làm ra, kinh tế khấm khá cả, không ai tiếc tiền của trước sự sống còn của bà, của mẹ họ.

 

Lấy gương chị dâu nọ, em dâu kia chăm sóc mẹ để Quý nhắc nhở vợ, Thuỷ chép miệng: “Vẽ chuyện, lần này còn lần khác, chả nhẽ mẹ anh chỉ một lần đi viện hay sao mà anh đã lo em không tròn bổn phận làm dâu, làm con cụ”.

 

Rồi Quý rất khổ tâm khi nghe trong những lời đồn thổi của bạn bè về những điều khuất tất của vợ với người này, người nọ. Quý vẫn mong vì tình nghĩa vợ chồng, Thuỷ sớm nhận ra điều hay lẽ phải để sống cho hạnh phúc của cái gia đình mà cả hai vợ chồng vất vả lắm mới tạo nên.

 

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly khi Thuỷ nói: “Làm một người chồng mà anh không đủ sức cáng đáng nuôi nổi vợ con thì anh cũng không nên có yêu cầu này yêu cầu nọ với tôi”.

 

 

Hai mẹ con bước vào nhà, tự nhiên một cảm giác lạnh lẽo, vắng lặng, cô đơn, trống trải đến với Thuỷ. Lúc bé Lan đòi ăn, Thuỷ lúng túng, vụng về, xa lạ ngay chính trong ngôi nhà cũ của mình vì từ quá lâu ở đây, có khi Thủy đã sống tạm bợ như một người khách.

 

Thường sau một sự việc được, mất, vui, buồn, bình tâm lại người ta mới có thời gian để đánh giá chính mình. Thuỷ cũng vậy, những giả định “nếu như” luôn luôn ám ảnh hành hạ Thuỷ suốt một thời gian dài, nhất là hình ảnh cặp vợ chồng ríu rít bên nhau vô tình Thuỷ gặp.

 

Những kỷ niệm cũ dần mất đi, chỉ còn lại sự hiện diện của bé Lan và nỗi trống vắng lạnh lẽo mỗi độ xuân về…

 

 

Theo Phạm Phúc
Phụ Nữ Việt Nam

Bình luận (0)