Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mùa lạnh trẻ em dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời tiết chuyển lạnh như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi khiến trẻ em dễ mắc nhiều bệnh cấp tính như hô hấp, dị ứng… đặc biệt là chứng tiêu chảy cấp tính.
Chứng tiêu chảy cấp tính (acute diarrhea) do một loại siêu vi trùng có tên khoa học là Rotavirus thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ bắt đầu thời kỳ ăn dặm (4-6 tháng tuổi) đến 2 tuổi. Trẻ đang trong độ tuổi uống sữa cũng có nhiều khả năng mắc chứng tiêu chảy do loại siêu vi trùng này.
Biểu hiện của chứng tiêu chảy cấp tính
Trẻ bị tiêu chảy sẽ đại tiện phân lỏng trên 3 lần trong ngày, thường kéo dài trong 3-7 ngày. Trẻ mắc bệnh thường biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mỏi mệt, nôn, tiêu chảy… Trẻ đại tiện phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải…
Xử lý khi trẻ bị tiêu chảy và cách dự phòng
Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ bú bình là do nhiều khả năng như bình sữa không sạch, pha sữa bằng tay không, cho trẻ ăn khi tay và quần áo không vệ sinh… Để hạn chế nguy cơ tiêu chảy với trẻ còn đang độ tuổi bú mẹ (breastfeeding) nên vệ sinh sạch sẽ như bình sữa, muỗng uống… Cho bé dùng sản phẩm dinh dưỡng có chất lượng bảo đảm, xử lý phân an toàn để ngăn chặn bệnh tiêu chảy lây lan.
Khi trẻ bị chứng tiêu chảy vào mùa lạnh cần bảo đảm vệ sinh cá nhân và dinh dưỡng trong các bữa ăn để giúp cơ thể của trẻ luôn đủ khả năng đề kháng (immunity) chống lại bệnh và giúp trẻ mau phục hồi.
Ngoài ra, khi trẻ bị tiêu chảy cha mẹ cần cho con uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol) đồng thời tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung dinh dưỡng bình thường. Không nên sử dụng thuốc kháng sinh (antibiotics) và thuốc cầm tiêu chảy khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi tiêu hóa.
Một liều thuốc các phụ huynh có thể chế biến tại nhà cho trẻ mắc chứng tiêu chảy cấp tính bằng cách cho trẻ bệnh ăn nước cháo muối (không mặn quá), nước gạo rang, nước củ cải đỏ (carrot soup), nước trái hồng xiêm… Tuyệt đối không bù nước cho cơ thể trẻ bằng các loại nước giải khát có gas, nước hoa quả pha đường vì các thức uống này sẽ khiến cho bệnh tình nặng hơn.
Trong trường hợp trẻ sốt cao, mệt mỏi cần tranh thủ đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tiếp tục theo dõi và điều trị đúng đắn để tránh những di chứng do chứng tiêu chảy cấp tính gây ra.
BS.PHẠM KHẮC TRÍ

Bình luận (0)