Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hạnh phúc luôn mỉm cười…

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thơ Lệ Bình cùng “người yêu suốt đời” và hai con

Nhiều người bất ngờ mỗi khi nhà thơ Lệ Bình (tác giả của tập thơ Thành phố mười mùa hoa, Tia nắng hạt mưa, Hương sa, Bàn thắng vàng…) giới thiệu về “người yêu” của mình. Đó chính là người đã “đồng cam cộng khổ” với ông suốt hơn 30 năm qua. Ông cười, hóm hỉnh cho biết: “Đến bây giờ và suốt đời, tôi vẫn xem vợ mình như là người yêu. Đơn giản vì gọi vợ thì cứ như một cái gì đó đã cũ, còn người yêu thì luôn luôn mới mẻ, tràn đầy sức sống…”.
“Duyên tiền định”
Nhà thơ Lệ Bình rất yêu và trân trọng vợ mình. Ngay cả bút danh của ông cũng là tên ghép của hai người (ông tên thật là Phạm Văn Lệ, còn bà là Doãn Thị Bình). Bạn bè hay đùa rằng ông yêu vợ quá nên… đánh mất tên thật của mình, ông cười bảo “của chồng công vợ”. Thậm chí, trên trần căn phòng khách nhà ông cũng được thiết kế theo hai chữ thư pháp L – B rất đẹp mắt.
Ông bật mí: “Chuyện tình của chúng tôi khá lãng mạn, có thể xem như là “duyên tiền định” vậy…”. Sinh ra tại Thanh Hóa, sau một thời gian tình nguyện đi Thanh niên xung phong, ông được điều về Hà Nội làm cán bộ huấn luyện quân sự cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Mỗi khi đến thăm nhà của thủ trưởng, ông thường được một “cô bé xinh xắn” ra mở cổng. Khi biết được cô bé ấy chính là con gái của thủ trưởng, đang học lớp 10, rất yêu thích thơ văn, ông đã không ngần ngại tặng cô bé một số bài thơ mà ông đã làm đăng báo thời thanh niên xung phong. Dần dần cả hai quý mến nhau bằng tình cảm anh em rất trong sáng. Năm 1970, ông được lệnh ra chiến trường B3, cô bé ấy cũng ra tận nơi đưa tiễn ông. Những năm sau đó, cô bé vẫn đều đặn thư từ cho ông giống như một người em gái hậu phương động viên người anh trai nơi tiền tuyến. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về Hà Nội, “cô bé” ngày nào giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp đang làm nhân viên phục vụ khách sạn Ga.
Gặp lại nhau, hai người đã nảy nở tình yêu. Hôn lễ được tổ chức đơn giản vào đầu năm 1976. Sau khi cưới nhau được một tuần, ông nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Tổng hợp TP.HCM (Khoa Văn), thế là ông phải khăn gói vào Nam để học, còn bà ở lại Hà Nội tiếp tục công việc. Những ngày lễ, tết bà sắp xếp công việc đón tàu vào Nam thăm ông.
Thời gian bà “lâm bồn” đứa con trai đầu lòng Phạm Duy Linh (tháng 12-1977) cũng không có ông ở bên cạnh nhưng bà rất hiểu và thông cảm cho chồng. Mãi đến tháng 3-1978, bà chuyển công tác vào Nam, hai vợ chồng mới được đoàn tụ. Đến năm 1989, bà sinh đứa thứ hai Phạm Duy Thành.
Nguyên tắc “đoàn kết” và “đấu tranh”
Nhớ lại khoảng thời gian bà mới vào Sài Gòn, ông bà không khỏi ngậm ngùi. Phải ở nhà thuê, ông đi học, bà đi làm chỉ có một khoản lương khiêm tốn không đủ trang trải cuộc sống. Buổi tối hai vợ chồng làm thêm đủ mọi nghề, cả việc xuống đường ngồi bơm xe đạp. Nhưng chính vì đã kề vai sát cánh vượt qua những tháng ngày khó khăn ấy mà bây giờ khi đã có cuộc sống ổn định, ông bà càng yêu quý nhau hơn.
Ông được nghỉ hưu sau gần 20 năm làm Trưởng đại diện phía Nam Báo Thiếu Niên Tiền Phong, bà cũng nghỉ hưu sớm do bệnh khớp. Duy Linh đã tốt nghiệp đại học và nối nghiệp ông làm báo, Duy Thành hiện đang học tại một trường nghề…
Thời gian ông còn làm báo, đi công tác hơi nhiều nhưng bà rất thông cảm cho công việc cũng như đặt niềm tin trọn vẹn vào ông. Có khi ông ở nhà, ngồi vào bàn viết là quên hết mọi thứ xung quanh. Chỉ cần nhìn thấy ông nhíu mày là bà biết ông đang trăn trở với đề tài khó. Về cái khoản làm thơ, ông còn rất phong độ. Bà là người rất yêu thơ nên cảm thấy vui và tự hào khi những bài thơ của ông còn nằm trên bản thảo, bà là người đầu tiên được thưởng thức.
Những ngày dành cho phụ nữ hay kỷ niệm ngày cưới, ông cũng nổi hứng làm thơ tặng bà. Những bài thơ ấy, chỉ mỗi mình bà được đọc và phải hứa là không được “lan truyền” ra ngoài.
Trong nhà, bà được giao “giữ chòm chìa khóa”. Tiền lương, nhuận bút có bao nhiêu ông đem về đưa hết cho bà để lo chi tiêu việc gia đình, chỉ giữ lại trong túi chút đỉnh cà phê với bạn bè. Con trai ông cũng thế, làm ra tiền cũng mang về nhờ mẹ giữ hộ. Bà cũng là “nhà tài trợ” chính cho ông xuất bản tập thơ mới nhất Ngàn năm sau (NXB Hội Nhà văn) và sắp tới sẽ là một Tuyển tập thơ nhạc dành cho thiếu nhi
KHÔI NGUYÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)