Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình già lên xe hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Nghe bố thổ lộ tâm sự, kỹ sư Hòa tức tốc gọi điện triệu tập các em đang sinh sống từ mọi miền đất nước về Sài Gòn họp khẩn. Thông điệp anh gửi đến anh chị em chỉ một câu ngắn gọn: “Bố đòi bước thêm bước nữa”.
Nhiều quyết định của cha mẹ khiến con cái thực sự bối rối. Ảnh: Corbis.com
Hai ngày sau cú điện thoại, các con của cụ Hải, 74 tuổi, đã nghỉ làm về nhà người anh cả bàn bạc. Thế nhưng dù các con đã dùng mọi cách ngăn cản, rằng “mẹ mất từ lâu, bố sống vậy có sao đâu”, hay “bố làm gì cũng phải nghĩ đến các con”…, ông cụ cũng nhất định lên xe hoa.
“Ngày trước tôi cưới mẹ các cô các cậu, tôi không được ngồi xe hoa. Đám cưới lúc ấy như một tiệc trà. Ngày nay nhà ta khá giả, chả nhẽ mọi người lại tiếc với bố sao”, ông cụ lập luận.
Thuyết phục bố không được, anh chị em anh Hòa đành đồng ý để cha đi thêm bước nữa, tuy nhiên mọi người lại thêm một phen đau đầu bởi những đề nghị của bố. Ông cụ yêu cầu, trong ngày cưới cô dâu phải được ngồi xe hoa mui trần đi một vòng thành phố; trong tiệc cưới, con cháu phải có mặt đầy đủ, kể cả bạn bè đồng nghiệp của các con.
Đầu tháng 3, đám cưới giữa cô dâu ngũ tuần và chú rể ngoài 70 tuổi được tiến hành tại một nhà hàng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Nghi lễ được tổ chức như sở nguyện của chú rể. Một chiếc xe hoa trắng mui trần đã đưa cô dâu chú rể đi khắp nơi trong thành phố. Khách đến dự cưới đầy ắp chủ yếu vì tò mò. Trong lễ cưới, thay vì bố mẹ cô dâu chú rể phát biểu với quan khách, anh Hòa phải là người tuyên bố “cưới vợ cho cha”.
Hai tháng sau ngày cưới, ông Hải một lần nữa khiến các con phải khó xử khi quyết định kiếm một đứa con nuôi vì cả hai đều không còn khả năng sinh con.
Không riêng anh Hòa, một gia đình khác ở huyện Bình Chánh, con cái trong nhà đã lớn, ai cũng có địa vị xã hội thế nhưng cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi nghe bà Thanh – người mẹ gần 60 tuổi của họ – đột nhiên muốn trở thành cô dâu.
“Bố tôi mất đã được 5 năm. Mẹ tôi vốn là người hiền từ. Thật không thể tin bà lại muốn lên xe hoa với một người khác. Tôi không biết phải xử trí thế nào khi mẹ mình thẳng thừng đề nghị”, chị Thu, con gái lớn của bà cụ cho biết.
Hết khuyên giải, rồi đến nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn, chị em Thu vẫn không tài nào thuyết phục được bà cụ. Trước phản ứng của các con, cụ dọa bỏ nhà ra đi, rồi nặng nhẹ các con không biết thương mẹ, rằng mẹ không còn sống được là bao, mẹ có quyền chọn lựa tình yêu cho mình.
Điều khiến chị Thu và các anh chị em lo lắng hơn là cũng giống như cụ Hải ở Gò Vấp, bà Thanh muốn tổ chức một đám cưới ra trò. Trong ngày cưới, bà cũng sẽ mặc áo cưới như các cô dâu trẻ và khách đến dự phải đông đủ.
Quá lo lắng trước dự tính của mẹ, chị Thu bàn cùng các em tìm đến nhà “bố tương lai” để bàn bạc với các anh chị em bên ấy. Đến nơi mới biết, con cái của “bố dượng” cũng khó xử không kém khi đấng sinh thành tỏ ra nôn nao chờ đến ngày cưới vợ. “Bố không làm gì sai với các con. Mẹ các con cũng đã qua đời, bố còn sống được là bao mà các con ngăn cản”, ông bố nói.
Còn hơn một tháng nữa mới đến ngày cưới, thế nhưng hai cụ đã sắp sửa xong trang phục. Thiệp cưới cũng đã in xong, thiệp trên chỉ ghi vẻn vẹn tên cô dâu chú rể bởi bố mẹ của họ đã không còn nữa. Chị Thu cho biết, chị và anh em trong gia đình rất ngại không dám nói với làng xóm và đồng nghiệp, nhưng ai cũng đã biết chuyện.
Không chỉ khổ vì bố mẹ muốn lên xe hoa ở tuổi gần đất xa trời, một số gia đình còn khó xử khi bố muốn thành hôn với người quá nhỏ tuổi, hoặc mẹ muốn sống trọn đời với người ấy chỉ lớn hơn con trai vài tuổi. “Yêu thương lắm nhưng cũng khổ lắm vì miệng đời. Vì chữ hiếu, chúng tôi đành chấp nhận nhưng nếu cha mẹ hiểu được cho nỗi khổ của con cái thì hay biết mấy”, anh Hùng, quê ở Đồng Nai, người từng tổ chức đám cưới cho bố đã gần 80, nói.
Không đến nỗi khó xử vì cha mẹ đòi cưới, tuy nhiên không ít con cái cũng “đau đầu vì chuyện bố hoặc mẹ “bước vào tình yêu” ở tuổi mà da mặt đã toàn vết nhăn. Lập luận của họ vững vàng khiến con cái không thể phản ứng, thường là: “tôi đã lo cho các anh chị quá nhiều, giờ tôi phải tìm hạnh phúc cho quãng đời còn lại”. Hoặc khi con cái phản ứng, các cụ lại cho rằng “chúng bây hỗn hào, vô lễ”. Kết quả là các con dù trong dạ không ưng vẫn phải thuận theo.
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân khiến người lớn tuổi muốn bước thêm bước nữa, có thể do sự cô đơn trong cuộc sống. Cảnh chồng hoặc vợ ra đi trước, các con lại tất bật với công việc, dễ khiến những người có tuổi tìm đến một người bạn mới. Chính vì thế, tốt nhất con cái nên quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn hoặc chỉ có cách chiều theo ý ông bà.
Thiên Chương (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)