Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

An Giang: Mại dâm ra đồng và chương trình “áo mưa” cho “Hai lúa”

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa lúa chín, thợ gặt thuê từ khắp nơi lại đổ về những cánh đồng và đó cũng là lúc những “cánh bướm” lượn lờ gạ gẫm “bán tình” cho những chàng “Hai lúa”. Bắt đầu từ năm 2007, tỉnh đoàn An Giang đã phát động chiến dịch đưa bao cao su ra đồng.
Thanh niên tình nguyện đem “áo mưa” ra đồng hướng dẫn nông dân sử dụng (ảnh: VietNamnet).
Theo chân các thợ gặt, được biết những cô gái bán dâm thường là dân tứ xứ khi hương sắc tàn úa sau năm tháng hành nghề ở thành thị dạt về vùng nông thôn. Giá cho một “dù” cũng cực “bèo”, có khi khách chỉ cần trả công bằng một chầu nhậu lai rai rồi thì cứ thoải mái từ A đến Z.
Gái mại dâm thường di chuyển đến rất nhiều nơi để tiếp cận thợ gặt. Nơi nào có thợ gặt nam đơn lẻ “bướm” đến “gạ” rồi hẹn giờ đi, hay “hành sự” luôn tại chỗ. Thậm chí mùa lũ, các cô gái bán dâm còn tiếp cận các xuồng câu của ngư dân để gạ bán dâm.
Nếu túi rủng rỉnh, các thợ gặt có thể thanh toán bằng tiền mặt, một lần trung bình từ 40.000 đến 50.000 đồng. Còn nếu không, có thể thanh toán bằng hiện vật như lúa hay trứng vịt. Vào mùa gặt, khoảng 16 – 17h chiều, gái “ăn sương” tuổi trên dưới 30 lại xuất hiện trên các cánh đồng, tiếp cận và trêu ghẹo các thợ cắt lúa.
Theo BS Mai Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và lao tỉnh An Giang, để dẹp được nạn mại dâm hoạt động theo hình thức di động là rất khó.
Biện pháp tốt nhất là thực hiện các chương trình giảm tác hại, tích cực phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; khuyến khích người dân sử dụng bao cao su trong phòng, chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Thiếu hiểu biết, không kiềm chế được bản thân hoặc do ở đồng sâu thiếu trò giải trí… nên nhiều vụ mua bán dâm tại đồng ruộng theo kiểu “mì ăn liền” đã diễn ra, để rồi có không ít những lao động nghèo đang đếm ngược từng ngày do nhiễm HIV/AIDS.
Bắt đầu từ năm 2007, tỉnh đoàn An Giang đã phát động chiến dịch đưa bao cao su ra đồng. Ban đầu chỉ thực hiện ở 5 xã, đến năm 2008 đã thực hiện trên 60/154 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Từ đó đến nay chiến dịch đưa bao cao su ra đồng được các tình nguyện viên thực hiện thường xuyên vào mùa gặt.
Theo chân một nhóm tình nguyện viên của xã An Hảo, huyện Tịnh Biên đến các cánh đồng đang thu hoạch lúa để tuyên truyền và phát bao cao su miễn phí cho nông dân mới thấy nông dân mình còn quá xa lạ với bao cao su.
“Hai năm trước cùng nhóm đi cắt lúa mướn chung có một người bị lây nhiễm HIV do “hành sự” mà không mặc “áo mưa”. Nghĩ cũng tức thiệt đôi khi chỉ một giạ lúa, nửa giạ lúa hay ít hơn nữa là xong một cuộc mua bán dâm tại đồng nhưng hậu quả thật quá đắt” – anh Đen, thợ gặt quê ở Phú Tân, Châu Phú rùng mình nói.
Anh Trần Hồng Lang (trưởng nhóm tình nguyện viên của chiến dịch đưa bao cao su ra đồng xã An Hảo) cho biết, anh đi nhiều nơi để tuyên truyền và nhận thấy nông dân mình ít quan tâm đến việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục.
Vì thế hình ảnh những tình nguyện viên áo xanh mang “áo mưa” ra đồng để tuyên truyền, hướng dẫn những nông dân tay lấm chân bùn biết cách “xài áo mưa” phòng chống căn bệnh thế kỷ trong mỗi vụ mùa gặt đã trở nên quá quen thuộc với người dân An Giang.
Theo An Bang – Xuân Giang
VietNamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)