3.177 cơ sở giáo dục mầm non trong và ngoài công lập toàn TP.HCM được công khai trên cơ sở dữ liệu trục dữ liệu ngành, nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ cho người dân thuận tiện trong việc tìm hiểu về trường, lớp cho con em theo học.
TP.HCM thực hiện công khai danh sách gần 3.200 cơ sở giáo dục mầm non
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổng kết công tác chuyển đổi số giáo dục mầm non. Bà Lương Thị Hồng Điệp -Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, năm học 2023-2024, TP.HCM đã đưa vào tích hợp công khai danh sách các cơ sở giáo dục mầm non của toàn thành phố trên trục dữ liệu, nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ cho người dân thuận tiện trong việc tìm hiểu về trường, lớp cho con em theo học. Việc công khai các cơ sở giáo dục mầm non cũng hỗ trợ cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Đến nay có 125.612 lượng truy cập thông tin, điều đó khẳng định việc cung cấp dữ liệu này là thật sự cần thiết đối với nhu cầu của người dân và cha mẹ trẻ em.
Giáo dục mầm non thành phố cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng truyền thông, thông tin, cài đặt và sử dụng ứng dụng nhận thông báo, phục vụ công tác điều hành, quản lý. Tổng số lượt điểm danh trên inetviet là 10.745 lượt; số lượt thông báo là 341.304; hệ thống cũng đưa vào tính năng nhận xét hàng ngày, tính năng đăng nhanh thực đơn bữa ăn, tính xuất ăn.
Các trường mầm non tiếp tục thực hiện xây dựng và phát triển kho học liệu số gồm bài giảng điện tử, sách điện tử, phần mềm mô phỏng, trò chơi, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành dưới dạng clip, hình ảnh, giáo án điện tử tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ; có 44.436 lượt đăng tải hoạt động; 267.195 hình ảnh và video trên kho học liệu đảm bảo chất lượng.
“Việc ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động giảng dạy đã mang lại nhiều cơ hội khám phá, thúc đẩy sự sáng tạo, tự tin của trẻ, giúp trẻ tích cực, hào hứng. Trẻ có kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ một cách thành thạo, chia sẻ và phối hợp cùng bạn khi thực hiện các bài tập nhóm trên máy; giữ nề nếp thói quen sử dụng và bảo quản thiết bị công nghệ, chủ động lấy cất đúng nơi quy định…” – bà Điệp đánh giá.
Năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ tích hợp lịch tiêm chủng cho trẻ lên hệ thống dữ liệu ngành
Dù vậy, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, sự biến động của các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở giáo dục mầm non độc lập; cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị ở một số nhóm lớp nhỏ chưa đồng bộ, trình độ về công nghệ thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn hạn chế… là những khó khăn của mầm non TP.HCM khi chuyển đổi số.
Cạnh đó, phần mềm ứng dụng và quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non là những phần mềm đơn lẻ từ các nhà cung cấp khác nhau, chưa có tính đồng bộ, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu về trục dữ liệu dùng chung. Đội ngũ giáo viên tại các nhóm lớp độc lập thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho công tác bồi dưỡng…
97,2% trẻ mầm non đã được cập nhật mã định danh trên hệ thống quản lý ngành giáo dục Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác chuyển đổi số bậc mầm non, đến nay 100% cơ sở giáo dục mầm non toàn thành phố, bao gồm mầm non độc lập được quản lý bằng hồ sơ số; 99,56% lớp học được số hóa. Hơn 98% trẻ và 99,7% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bậc mầm non thành phố được quản lý bằng hồ sơ số. 97,2% hồ sơ học sinh được cập nhật mã định danh trên hệ thống quản lý ngành (313.523/322.513 trẻ). Trong đó, bậc nhà trẻ đạt 99,9% với 46.200/46.265 trẻ; mẫu giáo đạt 96,8% với 267.323/276.248 trẻ; 96.515/98.608 trẻ 5 tuổi đã được cập nhật định danh với tỉ lệ là 97,88%. Sở GD-ĐT triển khai việc xây dựng chuẩn kết nối dữ liệu báo cáo, thống kê khai báo về tính khẩu phần dinh dưỡng từ các cơ sở giáo dục mầm non, tích hợp vào phân hệ quản lý giáo dục mầm non trên Hệ thống cơ sở dữ liệudùng chung. Đến thời điểm hiện tại có hơn 2.525/3.177, cơ sở giáo dục mầm non đã cài đặt, tỉ lệ 79,48%. |
Để thực hiện hiệu qủa công tác chuyển đổi số giáo dục mầm non, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chung toàn cấp học mầm non, tiến tới thực hiện số hóa toàn diện, phấn đấu cuối năm học sẽ hoàn tất việc cập nhật mã định danh cho trẻ, hoàn tất việc tích hợp khai báo tính khẩu phần dinh dưỡng trên trục cơ sở dữ liệu dùng chung.
Tăng cường làm phong phú, làm đầy kho học liệu điện tử dùng chung của toàn cấp học. Xây cơ sở dữ liệu các phương pháp giáo dục tiên tiến hiện đại. Xây dựng thêm trường dữ liệu về ngân hàng giáo án điện tử, dự liệu tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng anh và các hoạt động ngoại khóa, tích hợp dư liệu khai báo sức khỏe trẻ (lịch tiêm chủng, nhóm máu, tiền sử bệnh…).
Tích hợp cổng thông tin điện tử của các trường mầm non ngoài công lập và nhóm lớp độc lập vào cổng thông tin điện tử của ngành. Tham mưu thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo sự ổn định trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm lớp độc lập…
Yến Hoa
Bình luận (0)