Vào đại học không phải là con đường duy nhất. Ảnh: MÊ TÂM |
Những năm gần đây, năm nào cũng có học sinh tự tử vì thi trượt đại học (ĐH). Thật đáng tiếc, chỉ vì một phút không làm chủ được bản thân mà không ít em đã vội từ bỏ cuộc sống khi cuộc đời còn rất dài.
Áp lực đè nặng
Đối với nhiều học sinh, sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, thầy cô khiến kỳ thi ĐH trở thành nỗi ám ảnh nặng nề, khó mà thoát ra được. Em N.P. Lan (Dĩ An, Bình Dương) tâm sự: “Còn mấy ngày nữa là em thi ĐH khối B, lúc này em cảm thấy rất sợ hãi. Ba mẹ đều làm bác sĩ nên họ mong muốn em nối nghiệp, lúc nào cũng yêu cầu em phải đứng nhất lớp trong khi sức học của em chỉ đạt hạng khá. Em tự biết mình khó mà đạt được điểm cao để đậu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, vậy mà ba mẹ cứ nghĩ em học giỏi lắm… Em không muốn phụ lòng ba mẹ nhưng thật sự sợ hãi. Nếu thi trượt năm nay, chắc em không còn mặt mũi nào để sống”.
T.K.D. (Q.9, TP.HCM) cũng cho biết: “Hai người chị của em đều đã đậu ĐH, riêng em thì trượt. Thi lại lần thứ hai cũng trượt dù em đã rất cố gắng. Gia đình bắt em tiếp tục ôn và thi đến khi nào đậu mới thôi. Bởi vậy mà cuộc sống của em lúc nào cũng ám ảnh với việc thi cử. Không chỉ có vậy, em luôn phải nghe những câu nói của ba mẹ đại loại như: “Cả gia đình ai cũng đậu ĐH, còn mày sao ngu thế, thi hoài mà không đậu…”, “Thứ như mày có thi 10 năm cũng không đậu…”. Em mất hết tinh thần và khóc rất nhiều, em cũng đâu muốn thế. Đã ít nhất một lần em định tìm đến cái chết để giải thoát mà không được. Em chỉ mong mọi người hiểu cho mình, những người thi trượt ĐH như em cũng nhiều lắm, và bọn em cũng đau khổ lắm chứ…”.
N.A.T. (cựu học sinh Trường THPT Tân Phú – Đồng Nai) vốn là niềm tự hào và là sự kỳ vọng của gia đình bởi em luôn là một HS giỏi. Tuy nhiên kỳ thi ĐH năm 2008, T. đã không trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trong khi đó bạn bè cùng lớp đậu ĐH rất nhiều. T. tỏ ra rất chán nản và đã quyết định tìm đến cái chết để khỏi phải đối mặt với gia đình, bạn bè và thầy cô. Trước khi chết, T. gọi điện cho mẹ và nói: “Mẹ ơi con đi đây!”, người mẹ cứ nghĩ là con xin đi chơi với bạn nên trả lời: “Ừ, con đi đi!”. Không ngờ chỉ 20 phút sau về đến nhà, bà ngất đi khi phát hiện cậu con trai yêu qúi đã tự tử.
Mùa thi ĐH năm 2007, Lê Thị T, một HS giỏi ở Hà Tĩnh cũng nhảy cầu Bến Thủy tự tử do 2 năm liền không đậu ĐH…
Làm sao để hạn chế những vụ tự tử?
Có thể nói kỳ thi ĐH là gánh nặng lớn nhất cho mỗi thí sinh. Theo đó mà tình trạng tự tử vì trượt ĐH càng ngày càng nghiêm trọng. Những cái chết đau lòng của các sĩ tử sau thất bại ở trường thi là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh…
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì năm nào sau kỳ thi ĐH, bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần do thi trượt, nhiều trường hợp tự tử hụt. Các em thường có những biểu hiện trầm cảm, suy nhược, lo lắng và bất an. Hầu hết các em đều không muốn tiếp xúc với bạn bè, mất niềm vui trong cuộc sống và có những suy nghĩ tiêu cực. Do vậy, nếu gia đình không phát hiện sớm và chia sẻ kịp thời, các em có thể chán sống và dẫn đến hành vi tự tử.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trước khi trở thành bệnh lý tâm thần, những trường hợp này đều đã có các biểu hiện trầm cảm tuy nhiên cha mẹ đã không chú ý để điều chỉnh. Vì vậy để tránh những cái chết “lãng xẹt” của các sĩ tử, gia đình, nhà trường và cả xã hội cần phải giáo dục kỹ năng sống cho các em để các em có thể đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc phụ huynh không nên áp đặt mục tiêu cho con phải đỗ đạt cao, phải đậu vào trường ĐH danh tiếng. Hơn ai hết, phụ huynh cần giúp con hiểu rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất. Bởi trong cuộc sống có rất nhiều người thành đạt dù họ không có bằng ĐH. Khi con rớt ĐH, cha mẹ nên định hướng cho con học nghề rồi tiếp tục học lên dần, hoặc khuyên con năm sau thi lại chứ không nên chì chiết, la mắng…
Nguyên Hải
Bình luận (0)