Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Teen và hội chứng “cuồng mộ thần tượng”

Tạp Chí Giáo Dục

Bác G. (Q.BThạnh) có cậu con trai tên H.D năm nay lên lớp 8. Cứ đến hè thì anh bạn này nằng nặc không chịu đi đến tiệm cắt tóc vì muốn để tóc dài cho giống một diễn viên trong phim BOF…

Trong độ tuổi đang phát triển và hình thành nhân cách, teen luôn có trong trái tim mình một vị trí nhất định dành cho thần tượng của họ. Thần tượng có thể là người ca sĩ, diễn viên, người thành đạt mà teen soi mình vào đó để noi theo và hướng mình đến những cái tốt của thần tượng để hoàn thiện bản thân.

Nhưng bên cạnh đó, có những teen mắc phải hội chứng “cuồng mộ thần tượng”, họ tự huyễn hoặc mình bằng một “thiên tình sử” dành cho thần tượng, họ thay đổi xoành xoạch và đánh mất những giá trị riêng biệt của bản thân để cốt làm sao cho giống với thần tượng, và chắc chúng ta vẫn còn nhớ vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc của một gia đình có người cha “hy sinh” cho con gặp được thần tượng. 

1. Tốn kém vì thần tượng  

Những thần tượng mà teen theo đuổi hầu hết là những diễn viên, ca sĩ trẻ trong và ngoài nước. Họ mang trong mình một phong cách riêng và trau chuốt cho vẻ ngoài hơn các nghệ sĩ đứng tuổi (tuổi teen thì ai mà chẳng thích làm điệu, nhỉ?). Nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến nhận thức của teen, bởi một số teengirl cho rằng muốn được nổi bật, muốn khác người thì phải nhuộm tóc màu, uốn tóc xoăn, làm duyên làm dáng như một thiên thần, các teenboy thì chuộng phong cách để tóc mái dài che hẳn một bên mắt, phong thái lạnh lùng đến…vô cảm! 

Thật ra những ca sĩ luôn phải trau chuốt cho vẻ ngoài để tạo nên điểm nhấn cho mình khi biểu diễn trên sân khấu, họ không muốn bị chìm lỉm trên sân khấu với vẻ ngoài quá xuề xoà. Thế nhưng, một số teen còn ngồi trên ghế nhà trường cũng lén lút nhuộm tóc, sắm những bộ cánh đắt tiền cho giống thần tượng, điều đó hoàn toàn lãng phí với các teen đang tuổi ăn tuổi học. 

Bác G. (Q.BThạnh) có cậu con trai tên H.D năm nay lên lớp 8. Cứ đến hè thì anh bạn này nằng nặc không chịu đi đến tiệm cắt tóc vì muốn để tóc dài cho giống một diễn viên trong phim BOF. D còn chịu khó để dành tiền nhuộm tóc dù hai vị phụ huynh phản đối. Có lần D vòi vĩnh ba mẹ mua cho một cây guitar và hứa sẽ đến lớp học đàn trong hè (mục đích là để gẩy đàn cho giống với ban nhạc Jonas Brothers), nhưng chỉ được một tháng thì anh bạn lại đòi mua thêm một bộ đồng phục và một quả bóng rổ (vì nhân vật Troy trong HSM đã khiến hội con gái mê đứ đừ vì khả năng chơi bóng rổ tuyệt đỉnh của mình mà). Không lâu sau, D còn kiên quyết phải đến lớp học nhảy hiện đại để sở hữu những bước nhảy uyển chuyển như các thành viên trong nhóm DBSK. 

Bác G tâm sự: “Những sở thích của nó thay đổi đến chóng mặt, nó chỉ muốn đua đòi cho giống mấy anh chàng trên tivi mà nó thần tượng nhưng lại không có đam mê thật sự nên việc gì cũng bỏ lỡ giữa chừng. Đầu tư cho nó giờ hai bác mới thấy mình đã tốn kém vào những thứ không đáng” … 

2. Đau khổ vì thần tượng  

Quá cuồng mộ thần tượng, nhiều teen lầm tưởng tình cảm đó là tình yêu và không ít lần phải thất vọng khi hay tin thần tượng đang cặp kè với một ai khác trong giới nghệ thuật. Cách đây vài năm, tin ca sĩ L.Tr lấy vợ gây chấn động với các crazy fan là teengirl và không ít teen đã rơi nước mắt suốt một thời gian dài khi nhận được “hung tin” này. 

Theo các chuyên gia tâm lý, hâm mộ thần tượng đến mức không kiểm soát được hành vi là biểu hiện của bệnh lý. Nhiều teen đang mắc phải chứng bệnh này, họ luôn vẽ nên trong đầu những khung cảnh lãng mạn, những tình huống trong mong đợi có thể xảy ra giữa họ và thần tượng. Các teen này sẵn sàng có mặt trong những buổi họp fanclub, những nơi mà thần tượng mình biễu diễn như phòng trà, sân khấu ca nhạc và khi ra về, họ luôn mang trong mình những mơ mộng như: ”Khi nãy anh ấy vừa hát vừa nhìn mình bằng một ánh mắt rất đặc biệt, có lẽ anh ấy đã thầm để ý mình rồi chăng?”…

Ngoài ra, còn vô số những kiểu cuồng mộ thần tượng quái đản tuổi teen như học tập những thói xấu của các “thần tượng” (thích trở thành “hotboy”, “hotgirl”, không ngại khi nói về sex, đi tìm đại gia cho chính mình…), cũng đã xảy ra trường hợp hai fan club của hai nữ ca sĩ nổi tiếng đã “choảng” nhau tới tấp để bảo vệ thần tượng của họ, những fan cuồng mộ còn sẵn sàng “tử” vì thần tượng khi thấy nhớ hoặc không có cơ hội được gặp thần tượng trực tiếp ngoài đời. 

***

Vị thành niên là lứa tuổi rất quan trọng đánh dấu mốc trong cuộc đời, dễ biến đổi tâm sinh lý, và có những rung động đầu đời về giới. Các teengirl dễ lý tưởng hóa một hình tượng nào đó, còn các teenboy thì thích thể hiện mình. Thần tượng một người không phải là sai nhưng đừng để tình cảm đó đi quá xa ảnh hưởng đến học tập và những sinh hoạt cộng đồng khác. Các ca sĩ, diễn viên cũng rất mong những tình cảm chân thành, trong sáng của các teen dành cho mình chứ không phải “sao chép” hình tượng của mình để đánh mất phong cách riêng biệt của teen. Càng không muốn các teen vì thần tượng mình quá mức mà ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh của các bạn ấy. Hãy là một fan lành mạnh của các thần tượng, bạn nhé! 

Thẩm Quỳnh Trân (MTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)