Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp lại 4 anh em ruột trở về từ rừng rậm

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 1 năm sống trong rừng, hàng ngày, người anh và chị phải đi làm thuê để đổi lấy từng bát gạo về nuôi 2 em nhỏ sống qua ngày… Đêm về, 4 anh em ở trong cái lán nương nhỏ không giường chiếu, xoong nồi mà chỉ có 1 chiếc ấm đất và chiếc cuốc cùn.

Vậy mà 4 anh chị em người dân tộc Mông ở bản Sa Lai, xã Xuân Nha (nay là xã Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) đã sống những ngày đói rét trong rừng khi cả bố và mẹ đều đã mất sau trận sốt rét ác tính. Phải đến năm 1992, khi Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Sơn La phát hiện ra, 4 anh chị em họ mới được đưa về Trung tâm trại trẻ mồ côi của tỉnh nuôi dưỡng… 
Nuôi nhau trong rừng 
Trở lại những năm 1992, khi những cánh rừng Xuân Nha – Mộc Châu còn bạt ngàn cây gỗ cổ thụ và hoang thú, người dân vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện. Ở giữa khu rừng hoang sơ có một nhóm người Mông di cư đến và lập thành 3 bản sinh sống quần tụ. Cái nghèo nàn, thiếu thốn và tập quán sinh hoạt lạc hậu là nguyên nhân dẫn tới cái chết của nhiều người sau đợt sốt rét ác tính hoành hành. 
Lập tức, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Sơn La được thành lập để đi khám chữa bệnh cho người dân trong xã Xuân Nha, vừa tìm diệt cây thuốc phiện vẫn bị lén lút trồng trong các khe ở hang, suối. Trong khi đi xuyên rừng vào bản của người Mông, Đoàn công tác đã phát hiện 4 anh em Giàng A Lâu (SN 1981), Giàng Thị Phính (SN 1983), Giàng Thị Mo (SN 1986) và Giàng Thị Máy (SN 1989) và đưa về Trung tâm trại trẻ mồ côi của tỉnh vừa được thành lập. 

4 anh chị em họ Giàng ngày mới được đưa ra từ rừng Xuân Nha (Mộc Châu). 
Lần theo địa chỉ của cán bộ Trung tâm trại trẻ mồ côi tỉnh Sơn La, chúng tôi gặp Giàng Thị Mo khi em đang học năm thứ 2 lớp hộ sinh Trường trung cấp Y tế tỉnh Sơn La. Mo nhớ lại: “Năm 1991, trận dịch sốt rét tràn qua bản Sa Lai làm nhiều người mắc bệnh và qua đời, trong đó có bố mẹ em. Anh Lâu đã dắt các em vào rừng ở tạm trong 1 lán nương của người dân. Hàng ngày, em ở lán trông Máy còn anh, chị đi làm thuê cho người dân trong xã để đổi lấy gạo mang về nuôi các em”. Cái đói, cái rét trong rừng rậm và những tháng đói giáp hạt, phải đào củ măng, củ mài nấu cháo ăn cho qua cơn đói là kỷ niệm không quên với 4 anh em họ Giàng. 
Giàng A Lâu, người anh cả nay đã là cán bộ của xã Tân Xuân còn nhớ những ngày vật lộn với cuộc sống ở trong rừng: “Hôm ấy, mấy anh em đang ngồi trong lán nương thì nghe thấy tiếng bước chân từ xa và loáng thoáng thấy bóng người đang tiến về phía lán đã vội tìm chỗ nấp. Sau đó mới biết là các chú cán bộ của tỉnh, của huyện vào rừng tìm để đến đón về. Ngày ấy, nhà ai cũng khó khăn không giúp gì được, mình phải đi làm thuê để lấy gạo về nuôi các em, rất may là mấy em đều không ốm đau bệnh tật. Nếu không có các chú cán bộ đón về thì không biết mấy anh em có được như ngày hôm nay không…”. 
Hàng ngày, Lâu và Phính cứ gặp ai trong xã có việc là xin làm đổi lấy gạo, ngô mang về nuôi các em. Dù mới chỉ hơn 10 tuổi, nhưng Lâu đã chững chạc như thanh niên 16. “Khó khăn vất vả ở hoàn cảnh lúc bấy giờ là nghị lực cho mình có sức khoẻ để làm việc nuôi em”, Lâu nhớ lại. 
Sau khi được phát hiện và đưa về Trại trẻ mồ côi, cả 4 anh chị em đều được đi học. Hết lớp 7 ở trung tâm, 4 anh chị em đều được học tiếp văn hoá tại trường Phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Trước khi làm việc tại xã Tân Xuân, Giàng A Lâu đã được tuyển thẳng vào trường thiếu sinh quân, sau đó đi bộ đội và học trường quân y. 
Còn Giàng Thị Phính, sau khi học xong trường Trung cấp y tế tỉnh Sơn La đã lấy chồng và làm việc ở Trạm y tế xã Hang Chú (Bắc Yên). Cô em Giàng Thị Mo vừa lập gia đình trong khi đang theo học trường Trung cấp y tế của tỉnh. Riêng em Máy năm nay đã tốt nghiệp THPT. 
Mo bày tỏ: “Tuy mỗi người ở xa nhau, chúng em vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại, nhất là vào dịp cuối tuần, bọn em còn hẹn nhau về thăm mẹ nuôi”. Người mẹ nuôi mà các em nhắc đến là chị Lù Thị Han (SN 1960, dân tộc Thái), ở bản Bó, xã Chiềng An, TP Sơn La, cán bộ Trung tâm trại trẻ mồ côi tỉnh Sơn La. 
Em Giàng Thị Mo. 
Người mẹ Thái giàu tình thương 
Năm nay, chị Han đã gần 50 tuổi, nhưng nhìn kỹ trông chị già hơn trước tuổi rất nhiều. Trong lúc trao đổi với tôi, chị Han không giấu nổi niềm hạnh phúc và tự hào về nghị lực vượt khó của 4 anh em họ Giàng đã trưởng thành. Chị Han bộc bạch: “Lúc các cháu mới về Trung tâm, không riêng gì mình mà toàn thể cô giáo ở đây thương chúng lắm”. Mặc dù cả 4 đứa đã có cuộc sống ổn định, chị vẫn lo lắng cho em Mo đang học trường y tế chưa xin được việc làm, còn em Máy năm nay mới học hết phổ thông. 
Chị kể, là thứ con thứ 3 trong gia đình nông dân có 9 anh chị em, hồi nhỏ chị là người may mắn được bố mẹ cho đi học, hết lớp 5 thì nghỉ ở nhà làm nương giúp bố mẹ nuôi các em. Bước sang tuổi 18, nhiều chàng trai trong bản và ở nơi khác tìm về tán tỉnh những mong chiếm được trái tim của chị. Nhưng chị chỉ ưng anh bộ đội người dân tộc Mường, quê ở mãi bên Phù Yên đóng quân cách nhà không xa. Hẹn hò với nhau được một thời gian thì bị bố mẹ cấm vì sợ con gái lấy chồng xa, vất vả. Chị bảo: “Ngày ấy con gái phải nghe lời bố mẹ, mình đã nghe lời mẹ ghìm nén tình cảm trong lòng và chủ động chia tay người yêu”. 
Duyên phận không thành, suy nghĩ nhiều, chị sinh bệnh, gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi mất 3 năm mới khỏi. Thậm chí, gia đình còn mất nhiều bạc trắng để mời nhiều thầy cúng, thầy mo về cúng bái nhằm đuổi “con ma” bệnh trong người chị. Khỏi bệnh, hàng ngày chị ở nhà giúp bố mẹ làm nương đến khi chị xin vào Trung tâm trại trẻ mồ côi và nhận đứa con nuôi được hơn 2 tuổi vừa đón từ rừng về. 
Chị Lù Thị Han đang chăm sóc vườn rau tại Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi Sơn La. 
Trung tâm trại trẻ mồ côi tỉnh Sơn La tọa lạc trên diện tích khá rộng, với vài ba con đường nhỏ được trang trí uốn lượn dẫn thẳng về phía 2 dãy nhà xây kiên cố. Xung quanh con đường là những ô đất nhỏ được phủ lên bởi những luống rau xanh cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của hơn 70 em nhỏ mồ côi đang học tập và sinh sống tại trung tâm. 
Chị Han bảo: “Khi 4 anh chị em thằng Lâu mới đưa về trung tâm vẫn còn trong trạng thái hoảng sợ, không tiếp xúc với ai. Có lần, thằng Lâu còn bế con Máy khi ấy mới được 2 tuổi và dắt 2 em đi khỏi trung tâm, cán bộ trung tâm đi tìm đến tận ngã 3 huyện Mai Sơn (cách thị xã Sơn La 30km) phải khuyên mãi mấy anh em mới chịu về. Cái Máy còn bé nhưng lại chỉ quấn mình, nhìn hoàn cảnh anh em nó mồ côi bố mẹ mà vẫn yêu thương nhau làm mình rất xúc động và đã đưa Máy về ở”. 
Do sống cách biệt ở trong rừng khá lâu, rồi đưa về một môi trường hoàn toàn mới, cả 4 anh chị em Lâu hầu như chỉ quấn lấy nhau, ít tiếp xúc với mọi người. Phải mất khoảng thời gian vài tháng được đi học cùng với các em mồ côi khác ở trung tâm, mấy anh chị em mới bắt đầu hoà đồng cùng mọi người. 
Ban đầu, do không hiểu tiếng nói của nhau nên chị cứ phải nhờ các cô ở trung tâm trại trẻ dịch hộ để nói chuyện với anh em họ Giàng. Dù chỉ đưa Máy về nhà ở cùng nhưng chị Han vẫn thường xuyên quan tâm, chăm sóc cho 3 anh chị em của Máy đang được các cô ở trung tâm chăm sóc không khác gì người mẹ. 
Chị Han bảo: “Ngày ấy, làm ở trung tâm lương tháng chỉ được 67.000 đồng, vừa nuôi bản thân vừa phải đi thuê nhà và chăm sóc bé Máy nên rất khó khăn. Rất may là mấy anh chị Máy đều có chế độ nuôi dưỡng của Nhà nước nên cũng đỡ rất nhiều”. 
Có thời điểm nhà hết tiền, chị Han phải đi vay mượn từng ống gạo và nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè. Thấm thoát đã 16 năm, giờ đây cả 3 anh chị em họ Giàng đã lớn khôn, trưởng thành, chỉ còn em Máy còn đang tiếp tục học. 
Chị Han khoe vừa mới xây được ngôi nhà cấp bốn gần trường bằng tiền dành dụm và vay mượn thêm, giờ không phải đi thuê nhà ở nữa. Ước mơ lớn nhất của chị Han là có mái ấm gia đình và giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực vì những “đứa con” của chị đã khôn lớn, trưởng thành, biết yêu thương nhau. 
Theo Thái Hùng
 Gia đình & Xã hội

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)