Trẻ em rất cần sự yêu thương của bố lẫn mẹ (ảnh chỉ mang tính chất minh hoa). Ảnh: I.T |
Trong nhiều năm trở lại đây, hiện tượng ly dị ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Tại TP.HCM, mỗi ngày có cả chục cặp vợ chồng dắt nhau đi hầu tòa. Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định: “Ly hôn – chồng được, vợ không mất gì nhưng con cái thì mất tất cả…”.
Những đứa trẻ thiếu cha, vắng mẹ
Mặc dù cả hai cố kéo vãn sự đổ vỡ của gia đình nhưng khi bé Quỳnh được 2 tuổi, Thắm và Hùng vẫn phải dắt nhau ra tòa. Theo thỏa thuận của hai người, bé Quỳnh ở với mẹ, hai ngày cuối tuần thì ở với ba. Từ đó, Quỳnh theo mẹ chuyển tới chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh) sinh sống. Tuy còn nhỏ nhưng bé Quỳnh cũng phần nào hiểu được sự xáo trộn trong gia đình. Sự thiếu vắng lời ru của mẹ vào hai ngày cuối tuần khiến bé thường thức khuya, hoặc giật mình thức giấc lúc nửa đêm. Những buổi chiều các ngày trong tuần, không được chơi trò cỡi ngựa với ba làm bé thấy hụt hẫng. Cũng từ ngày ba mẹ ly dị, Quỳnh phải tới trường mầm non thay vì ở nhà với bà nội như trước đây… Sau hai tháng ba mẹ ly dị, buổi tối khi ngủ bé Quỳnh thường tè dầm mặc dù gần một năm trước bé đã chấm dứt việc tè ra quần. Bé cũng bắt đầu “hư” hơn, thường nhõng nhẻo, dễ khóc nhè và hay nổi cáu.
Cha mẹ ly dị, Lâm theo ba chuyển đến nhà mới ở Q.10, còn mẹ và em Ly vẫn ở nhà cũ tại Q.Phú Nhuận. Về nhà mới đương nhiên là phải chuyển trường học. Ở trường cũ, Lâm đã quen với tất cả các bạn trong lớp 4/3, quen cô giáo, cô hiệu trưởng, chú bảo vệ và quen với quang cảnh trong sân trường. Nay về trường mới, tất cả đều mới mẻ và lạ lẫm khiến Lâm rất khó thích nghi. Đã vậy, các bạn trong lớp lại không thích Lâm vì em suốt ngày ủ rũ mặt mày, không thèm trò chuyện với ai. Về nhà, thiếu bàn tay của mẹ nên bữa cơm của Lâm cũng đạm bạc hơn. Ba không biết nấu ăn nên ngày thì ăn cơm tiệm, ngày khác lại ăn cơm với xúc xích, hoặc đồ hộp. Quần áo Lâm mặc mỗi ngày cũng không được ủi phẳng, thơm tho như ngày có mẹ. Từ chỗ là một đứa trẻ hiếu động, thông minh nhưng sau khi ba mẹ ly dị sức học của Lâm giảm sút, em trở nên lầm lì ít nói…
Tình trạng của bé Ly (em gái Lâm) cũng chẳng khá hơn. Không còn anh hai, mỗi khi từ trường mầm non trở về Ly chẳng có ai để chơi, để khoe bữa nay được cô giáo khen hát hay, múa giỏi hay vẽ đẹp. Không có ba bên cạnh, khi có bộ quần áo mới, bé không còn được làm người mẫu cho ba coi. Từ đó, trong lớp bé ít hát múa hơn, ở nhà chỉ thích coi phim hoạt hình, không còn líu lo như trước nữa…
Giúp trẻ vượt qua cú sốc
Không cặp vợ chồng nào muốn ly hôn cả, nhưng cuộc hôn nhân không đạt được hạnh phúc nên họ đành phải đưa nhau ra tòa.
Chị Diễm (Q.1) kể: “Sau khi ly dị, chồng tôi nuôi cả hai con vì tôi không có việc làm ổn định. Mặc dù trước đó chúng tôi đã thỏa thuận là tôi sẽ được thăm các con bất kỳ khi nào nhưng thực tế ông ấy đã cấm tụi nhỏ qua lại với mẹ. Lần nào tôi tới nhà, ông ấy cũng cấm cửa, không cho gặp các con. Nhớ con, tôi đến trường gặp, ông ấy biết đã đánh tụi nhỏ…”. Cũng chung số phận với chị Diễm, mỗi khi muốn gặp con, anh Hải (Q.7) cứ phải lén lút tới trường vào giờ ra chơi. Câu cuối cùng anh nói với con lúc chia tay bao giờ cũng là: “Về nhà đừng nói với mẹ là ba con mình gặp nhau nhé”. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, vợ (hoặc chồng) nên cho phép đối phương được thăm con một cách thoải mái. Người lớn không nên bắt con cái trở thành nạn nhân của cuộc chiến hay sự ganh tị giữa 2 người đã ly dị, như vậy sẽ làm cho đời sống của trẻ đau khổ hơn…
Cha hoặc mẹ cũng không nên nói dối con về sự thiếu vắng của người kia. Khi con hỏi “Ba/mẹ đi đâu rồi”, không nên trả lời rằng “Mẹ/ba đi học ở nước ngoài, hoặc làm việc ở thành phố xa”. Nói dối sẽ làm cho trẻ tưởng tượng những điều không tốt như ba/mẹ bỏ đi vì con không ngoan. Từ đó trẻ sinh ra tự ti, lúc nào cũng thấy mình có lỗi.
Nếu người cha hoặc người mẹ cứ nói xấu đối phương trước mặt con thì khi lớn lên trẻ sẽ căm ghét phụ nữ hoặc đàn ông. Lớn lên các em sẽ không có hạnh phúc khi lập gia đình hoặc sẽ không lập gia đình.
Hương Giang
Bình luận (0)