Vụ án bắt đầu từ một trò đùa tai quái khiến một đứa trẻ vô tội bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân.
“Bị đánh nên bị cáo mới nhặt dao để tự vệ. Không ngờ bị hại không buông tha mà còn quay lại định đánh bị cáo lần nữa… Vì vậy, bị cáo mới… quơ dao” – T.H.N (SN 1991) tường thuật lại hành vi phạm tội của mình trước HĐXX.
Chỉ có điều, dù không cố tình quanh co chối tội nhưng lúng búng mãi T.H.N cũng không thể lý giải được vì sao chỉ dùng dao “quơ” mà lại gây nên cái chết cho một người và gây tỉ lệ thương tật 42% đối với một người khác.
Trò đùa tai quái
Đầu tháng 9/2007, trước khi chính thức bước vào năm học mới, T.H.N cùng 7 người bạn cả nam lẫn nữ đến công viên nước Đại Thế Giới (quận 5 – TPHCM) chơi. Do trong người không được khỏe, N. tình nguyện ngồi trên bờ giữ đồ đạc cho các bạn.
Trong lúc tắm, một người bạn của N. đùa giỡn đánh vào mông của chị P.T.T.T (không quen biết). Khi cả nhóm bạn N. tắm xong lên ngồi chơi, bạn của chị T. gồm L.H.P, N.C.L, T.H.T đến hỏi chuyện.
Dù sai nhưng bạn của N. không biết nhận lỗi, dẫn đến hai bên cãi nhau. T.H.T lấy ghế nhựa và dao đuổi đánh, cả nhóm sợ bỏ chạy tán loạn, chỉ còn mình N. vẫn còn ngồi đó. Thấy nhóm T.H.T quay lại chỗ ngồi, N. lên tiếng với ý định giảng hòa: “Có chuyện gì từ từ nói, làm gì mà đánh dữ vậy mấy bạn?”.
Cơn giận chưa nguôi, lời nói của N. vì thế bỗng trở nên khó nghe, L.H.P quay sang hỏi: “Phải mày đi chung với tụi nó không?”, rồi không đợi N. trả lời, P. xông đến nắm tóc kéo ghì về sau, đánh túi bụi. Lúc này, có người nói: “Không phải nó đâu”, P. buông N. ra.
Thân cô thế cô lại bị đánh nên N. có phần hoảng sợ. Quay qua chiếc bàn đá, thấy có con dao xếp, N. bèn cầm lấy, xem như là một vũ khí để tự bảo vệ mình. Ngờ đâu, P. quay lại định đánh N. lần nữa. Sẵn dao trong tay, N. đâm loạn xạ. P. bị trúng vào ngực và bụng nên tử vong sau đó.
Thấy máu, N. càng hoảng loạn, tiếp tục đâm một nhát vào bụng N.C.L khi anh ta xông vào cho đến khi T.H T chụp một con dao khác chém vào tay N. làm rớt con dao xuống đất. N. bỏ chạy cũng là lúc bảo vệ đến khống chế T.H.T tịch thu dao và bắt giữ N. giao công an.
Và nỗi đau của những người mẹ
Có mặt tại tòa trong buổi sáng hôm ấy, ngoài T.H.N bị truy tố về tội giết người, T.H.T (SN 1988) tội gây rối trật tự công cộng, còn có ba người mẹ đến tòa để… giải quyết hậu quả do con gây ra.
Người mẹ mất con nỗi đau vẫn còn hằn lên gương mặt đầy những nếp nhăn của thời gian và nỗi nhọc nhằn, câm lặng không nói nên lời. Người mẹ có con bị thương tật 42% phải bỏ cả công việc làm thuê, làm mướn để vào bệnh viện chăm sóc cho con, đến bây giờ vẫn chưa thôi thấp thỏm âu lo cho sức khỏe của con.
Và người mẹ của bị cáo – người mà từ đầu đến cuối phiên tòa chỉ có nước mắt và những cái gật đầu đầy vẻ cam chịu trước mọi yêu cầu đòi bồi thường của gia đình hai bị hại, dù bà chẳng khá giả gì. “Con tôi có thể chất và trí tuệ không được bình thường như những đứa trẻ khác. Cháu phải học hai năm lớp 3, hai năm lớp 4 và hai năm lớp 8. Dẫu vậy, tôi vẫn cho con đến trường, được chữ nào hay chữ nấy, cố mà có tấm bằng phổ thông. Không ngờ… Thôi thì mũi dại lái chịu đòn, tôi chấp nhận bồi thường hết. Chỉ xin tòa chiếu cố, xem xét để cháu có thể trở về sớm…”, bà mếu máo thưa khi được cho phép có ý kiến.
Phía sau vành móng ngựa, N. đưa tay áo quệt nước mắt. Con cái là hạnh phúc, niềm tự hào của những người làm cha, làm mẹ. Phải nói ra những khiếm khuyết của con trước bao nhiêu người xa lạ, cho dù là để xin giảm nhẹ hình phạt cho con, ắt hẳn người mẹ ấy phải đau lòng, cay đắng lắm. Vậy mà bà vẫn buộc phải nói, bởi đó là sự thật.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư nói không có tiền bạc nào có thể trả lại mạng sống cho P. và sức khỏe cho L. Nhưng những gì mà mẹ của bị cáo đã làm cũng nói lên thiện chí khắc phục hậu quả, sự sẻ chia nỗi đau, mất mát của bà với gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy một đứa trẻ bị bao vây bởi một nhóm người, bị đánh túi bụi sẽ rất dễ hoang mang dẫn đến có những hành vi bị kích động, thiếu kiềm chế mà trong chốc lát khó có thể lường hết hậu quả gây ra bởi hành vi ấy…
Trong vụ án này, giá như những người bạn của N. đừng đùa nghịch một cách thiếu văn hóa, giá như con dao không xuất hiện một cách “kịp thời”, giá như bị hại đừng xông vào đánh N. khi em chẳng có lỗi gì…, đã không xảy ra hậu quả đau lòng hôm nay.
Nhận định bị hại có phần lỗi khi tấn công bị cáo trước nhưng bị hại chỉ dùng tay, không sử dụng hung khí, bị cáo hoàn toàn có thể chọn cách ứng xử khác thích hợp hơn nhưng đã không làm. Vì thế bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại điểm a (giết nhiều người), khoản 1, điều 93 của BLHS.
Do khi phạm tội, bị cáo chưa thành niên, gia đình đã khắc phục một phần hậu quả, HĐXX đã tuyên phạt N. mức án 10 năm. So với việc một mạng người bị tước đoạt, một người khác bị thương nặng, mức án ấy đã khá nương nhẹ.
Nhưng dẫu sao, N. vẫn còn rất trẻ, 10 năm tù so với tuổi xuân của một đời người, quả thật nặng nề. Và vì thế mà dù biết trước mức án không thể nào nhẹ hơn, mẹ của N. cũng điếng người khi nghe tòa tuyên án. Để rồi dù cố gắng, bà cũng không thể nào lê nổi bước chân ra khỏi phòng xử để kịp nhìn con trước khi bị dẫn ra xe. Từ đây, đứa con trai ngoan ngoãn đã vuột khỏi tay bà…
Theo Tố Trâm
Người lao động
Bình luận (0)