Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện ở làng đại học xứ Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Trước kia, làng Mạo Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương), được mệnh danh là “ làng tiến sĩ”. Đến nay tinh thần hiếu học đó vẫn được duy trì và phát huy, làng được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Làng đại học.

 
Cổng làng Mạo Trạch
Cả làng cùng học
Thời phong kiến, làng Mạo Trạch đã nổi tiếng gần xa với 36 vị tiến sĩ. Đặc biệt, kì thi năm  Bính Thìn (1656) cả nước có 6 người đỗ tiến sĩ thì riêng làng Mạo Trạch đã chiếm một nửa, được vua Tự Đức phê: “Nhất gia bán thiên hạ”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Vũ Duy Giỏi, Chủ tịch Hội khuyến học của thôn hồ hởi nói về phong trào học tập nơi đây. “Chúng tôi xác định đầu tư cho giáo dục là đâu tư cho tương lai. Giáo dục là con đường  để thoát nghèo bền vững nhất".
Ngày nay, ở Mạo Trạch, việc học tập được người dân đặt lên hàng đầu và được tổ chức chu đáo.
Hội khuyến học của thôn kết hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi tinh thần học tập của các em. Qua đó, những em lơ là, chểnh mảng trong học tập sẽ được thông báo đến nhà trường để kịp thời chấn chỉnh.
Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, Hội khuyến học cùng  nhà trường sẽ động viên gia đình và tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đi học, đồng thời biểu dương, khen thưởng những em có thành tích học tập tốt.
Mỗi quý, Hội khuyến học của thôn đều họp để tổng kết, rút kinh nghiệm.
Để tạo nề nếp học tập cho con em trong thôn, Hội khuyến học thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh về truyền thống hiếu học của ông cha nhằm khơi dậy tinh thần ham học, nêu danh những gia đình tiêu biểu.
Hình ảnh cha dạy con, anh dạy em vào những buổi trưa hay buổi tối đã trở nên quen thuộc nơi đây.
Đến nay phong trào học tập trong thôn đạt kết quả tốt đẹp. Số học sinh đỗ đại học và cao đẳng ngày càng tăng. Năm học 2008, cả thôn có 6 em học sinh giỏi cấp tỉnh, 22 em đỗ đại học và 16 em đỗ cao đẳng.
“Có được kết quả trên là do chúng tôi luôn coi trọng công tác xã hội hóa giáo dục. Cùng với Hội khuyến học, chúng tôi kết hợp với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… tham gia vào công tác khuyến  học thôn nhà. Ở Mạo Trạch, hầu hết các dòng họ đều có quỹ khuyến học.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp là con em trong thôn thành đạt trong và ngoài nước tham gia vào quỹ khuyến học. Bởi vây, phong trào học tập của chúng tôi vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu” – Bác Vũ Duy Giỏi cho biết.
Hai vợ chồng bác Quang
Cụt hai tay nuôi năm con đại học, cao đẳng
Đến thôn Mạo Trạch, hỏi vợ chồng bác Vũ Hồng Quang, mọi người đều hết lời ca ngợi. Mặc dù là thương binh bị cụt mất hai tay, lại nhà nghèo nhưng bác Quang cùng vợ vẫn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ đề nuôi năm người con ăn học.
Bác kể: “Tôi luôn nhận thức  học tập là con đường để gia đình tôi thoát nghèo, giúp các con tôi thành người. Bởi vậy dù khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi vẫn quyết nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”.
Với ý nghĩ đó, bác Quang đã không quản ngại nắng mưa, gian khổ nơi đồng ruộng để nuôi các con ăn học.
Cả nhà chỉ có vài sào ruộng, làm còn chưa đủ ăn, hai bác tính đến chuyện khai hoang những mảnh đất bỏ không và thuê ruộng của bà con hàng xóm để có thêm đất sản xuất.
Có thời gian, hai bác vật lộn với 14 sào ruộng. Ruộng nhiều lại chỉ có hai vợ chồng nên hai bác dậy từ bốn giờ sáng ra đồng làm, có nhiều hôm làm thông trưa ngoài đồng đến tối mới về nhà.
Mặc dù vất vả, gian nan nơi đồng ruộng nhưng hàng tuần bác đều tổ chức họp gia đình, nói chuyện về truyền thống hiếu học, nêu gương những người thành đạt của dòng họ.
Các buổi tối, bác đều nhắc nhở, kèm cặp các con học bài. Đến khi các con lớn, bác giao nhiệm vụ cho anh chị học lớp trên dạy bảo các em học lớp dưới. Cứ như thế, năm người con của bác đứa lớn dìu dắt đứa bé.
Để có thêm tiền cho các con ăn học, ngoài làm ruộng, bác còn sửa chữa xe đạp vào lúc nông nhàn. Vì bị cụt một tay, bàn tay kia lại bị cụt mất bốn ngón nên mọi động tác của bác đều hết sức khó khăn.
Không phụ công cha mẹ, năm người con của bác đều chăm ngoan, học giỏi lần lượt đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Con trai đầu Vũ Duy Phương học Cao đẳng Cơ khí Chí Linh ( Hải Dương ), con gái thứ hai Vũ Thị Đào học Đại học Nông nghiệp I, con trai thứ ba Vũ Duy Hòa và con gái thứ tư Vũ Thị Hiền học Đại học Sư phạm Hà Nội, con gái thứ năm Vũ Thị Liên cũng học Đại học Nông nghiệp I. Đặc biệt, tháng 7 – 2008 con gái thứ hai Vũ Thị Đào đã lấy bằng Tiến sĩ tại Pháp.
Nguyễn Thắng (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)