Chị Nga và con trai tại buổi nhận học bổng |
Nhìn cậu con trai yêu quí bước lên sân khấu nhận học bổng “Vinamilk – Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam (năm học 2008-2009)” do Sở GD-ĐT TP.HCM và Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức, nước mắt chị cứ thế tuôn trào. Chị khóc vì niềm vui sung sướng, tự hào…
1. Các cụ ngày xưa thường nói “nồi nào, vung nấy”, câu nói đó rất hợp với hoàn cảnh của chị Phạm Thị Kim Nga và anh Trần Văn Tuấn. Cả hai đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không được học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy mà cả hai đều không có việc làm ổn định, thường thì ai thuê gì làm nấy…
Cùng cảnh ngộ nên khi gặp nhau họ dễ dàng thành vợ thành chồng. Thời gian đầu, hai vợ chồng sống chung với ba má chồng ở Q.3. Ban ngày cả hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm từng đồng bạc sống qua ngày. Tối, do nhà ba má chồng nhỏ lại đông người nên hai vợ chồng chỉ có một diện tích rất nhỏ ở trên gác đủ để trải chiếc chiếu ra ngả lưng. Nhưng không sao, “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”…
Rồi bé Trần Trí Tuấn Tú chào đời, lúc đó vợ chồng chị Nga mới cảm nhận được sự chật chội. Hai vợ chồng bàn nhau ra ngoài thuê nhà nhưng khi sờ tới túi tiền thì chỉ có mấy đồng bạc lẻ, không đủ mua sữa cho con nói gì đến việc trả tiền nhà trọ. Sống trong môi trường chật chội nên bé Tuấn Tú cứ bệnh triền miên, chỉ lớn tuổi mà không lớn người.
Thương cho hoàn cảnh của vợ chồng đứa cháu nội, bà của anh Tuấn ở Q.7 rủ cháu về ở chung. Nếu so với nhà bố mẹ anh thì nhà bà nội rộng rãi, thoáng mát hơn nhiều. Tuy nhiên số hộ gia đình ở đây lại quá đông, bởi vậy vợ chồng chị Nga cũng chỉ có một khoảng đất rộng chừng 6 – 7m2 làm chỗ sinh hoạt.
2. Tuấn Tú lớn lên trong căn phòng chật chội, vá chằng vá đụp. “Mấy bữa nay mưa, dột quá trời, hai mẹ con không có chỗ mà nằm”, chị Nga tâm sự.
Trái ngược với căn phòng nghèo nàn, nhỏ bé ấy là tình thương bao la của cha mẹ. Anh Tuấn may mắn xin được làm bảo vệ cho một công ty ở Q.Tân Bình. “Công việc của anh ấy là trực buổi tối, còn ban ngày thì được nghỉ. Nhưng để kiếm thêm thu nhập, ban ngày anh ấy đi sửa điện và làm bất kỳ việc gì người ta mướn. Vì vậy mà 2 – 3 tuần, anh Tuấn mới về nhà 1 lần dù từ nhà tới chỗ làm không quá xa”, chị Nga kể lại.
Còn bản thân chị thì đi lượm ve chai. Buổi sáng, chị đưa con tới trường, sau đó rong ruổi trên khắp các ngõ hẻm ở Q.7, Q.4, Q.1… bới từng bịch rác để nhặt những cái bao nilong, vỏ chai, vỏ lon bia. “Mỗi ngày cũng kiếm được mười mấy ngàn”, chị Nga nói.
“Mười mấy ngàn thì làm được gì?”, tôi hỏi, chị thật thà trả lời: “Mỗi tháng chồng tôi cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, sau khi trừ tiền ăn cũng còn khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng đem về cho vợ. Số tiền này chúng tôi để dành phòng khi ốm đau, bệnh tật, đóng tiền học cho con và tiền điện nước. Còn tiền tôi kiếm được mỗi ngày để mua gạo hai mẹ con ăn. Thức ăn thì có người bà con làm cấp dưỡng ở trường nội trú ngày nào cũng đem ở trường về cho, vì vậy không tốn tiền mua”.
3. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, ngay đến chỗ đặt bàn học cũng không có nhưng Tuấn Tú học rất giỏi. Trong 4 năm qua, năm nào em cũng là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, Q.7. Khâm phục nghị lực của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ tiền ăn trưa (bán trú) cho Tú.
Từ ngày Tuấn Tú không phải đóng tiền ăn trưa ở trường, gánh nặng ngày 2 bữa cơm cho hai mẹ con không còn đè nặng lên đôi vai gầy còm của chị Nga nữa. “Buổi trưa, con đã ăn ở trường nên tôi không phải lo lắng nữa. Về phần mình, tôi ăn qua quít cho xong bữa. Lúc thì ổ bánh mì, khi thì gói mì tôm, hoặc ăn cơm – mua 1 ngàn đồng cơm, xin bịch canh, ít nước mắm thế là xong bữa”, chị Nga tâm sự.
Ăn uống kham khổ như vậy nên chị gầy gò và xanh xao, trông chị già hàng chục tuổi so với tuổi thật của mình. Chị ăn mặc cũng chẳng giống ai – mặc dù là ngày con đi nhận học bổng nhưng chị chỉ mặc một bộ đồ lửng không còn mới và khoác một cái áo dài tay bên ngoài. Chị nói: “Bộ này là đẹp nhất đấy, chị già rồi nên cũng không cần chưng diện. Có đồng nào chị dành hết cho con, bây giờ nó đang trả ơn chị bằng cách học giỏi và chăm ngoan. Sự hy sinh của vợ chồng chị như vậy cũng đáng lắm”…
Bài & ảnh: Minh Anh
Bình luận (0)