Được đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng 2 tuyến kè quan trọng để bảo vệ hoa màu, đất đai, nhà cửa và cả tính mạng của người dân các xã vùng đông huyện Duy Xuyên mới đưa vào sử dụng, chỉ qua 1 trận lũ đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Hơn 1.000 mét kè không có lõi sắt
Chỉ qua một trận lũ của cơn bão số 9 mà tuyến kè biển chống xói lở và ngăn sóng nối liền 2 xã biển của vùng đông huyện Duy Xuyên là Duy Hải và Duy Nghĩa đã không còn nguyên vẹn.
Tuyến kè dài hơn 1.000 mét được hoàn thành vào năm 2007, bề mặt rộng 5 mét với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng đã bị sóng đánh cho tan nát. Có đoạn bị sụp xuống tạo thành hố sâu từ 1 – 1,5m, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông vì đây là tuyến đường trọng điểm phục vụ nghề cá của hàng ngàn hộ dân 2 xã qua lại.
Thực tế khi vừa mới sụt lún đoạn kè này đã liên tục xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông. Ông Kiều Văn Hà, một người dân thôn Thuân An (xã Duy Nghĩa) cho biết: “Khi thấy tai nạn xảy ra tôi đã lấy ván làm tạm cây cầu gỗ cho dân đi, chứ nguy hiểm quá”.
Chị bán nước giải khát ngay bến đò An Lương tên Đỗ Thị Huệ kể: “Mới đây đã có 2 vụ tai nạn, một người bị thương nặng bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu, còn người kia may mắn chỉ bị xây xước nhẹ.
Đoạn kè bị gãy, sụt lún thế này rất nguy hiểm cho người đi đường, nhất là đối với những người ở xa tới, vì không biết được hiện trạng kè bị lún sụt nên cứ chạy xe bình thường, đến đây không thắng kịp thì nhào đầu xuống hố kè”.
Từng mảng bê tông mặt kè bị đứt gãy nên người dân mới biết tuyến kè quan trọng này không có “ruột” bên trong.
Một điều làm cho người dân ở đây thắc mắc là khi sóng đánh vỡ kè thì dân phát hiện phía trong ruột kè này không có lấy một cây sắt. Ai cũng tưởng chỉ có đường bê tông nông thôn mới không có sắt còn đây là bờ kè biển, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mà không có “que” sắt nào thì kể cũng lạ.
Một lãnh đạo của huyện Duy Xuyên cho biết: Mục tiêu chính của dự án này là chống xói lở bờ biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của hơn 500 hộ dân ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) và thôn An Lương (xã Duy Hải) nhưng mới qua một lần “thử thách” đã chịu không nổi thế này thì đất đai, tài sản và tính mạng người dân sẽ tiếp tục bị đe dọa.
Lý giải về công trình tan tành, ông Nguyễn Công Dũng, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên cho biết: Lịch sử chưa bao giờ nước ở khu vực này lên mặt đường, nhưng vừa rồi có nơi nước cao trên 1m kết hợp với sóng lớn nên gây sạt lở bờ kè này.
Tơi tả kè thôn Trà Đông
Từ năm 2003 trở về trước, cứ mỗi mùa mưa lũ kéo về là đất đai bên bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị xâm thực nghiêm trọng. Không chỉ một diện tích rất lớn đất sản xuất bị “nuốt trôi” mà nước lũ còn đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Trước tình hình đó, đầu năm 2004, Ban Quản lý Dự án nông nghiệp – phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Quảng Nam) được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến kè bảo vệ có kết cấu bằng bê tông với tổng chiều dài 800m, kinh phí trên 3 tỉ đồng để bảo vệ cho hơn 120ha đất đai và 450 hộ dân.
Sau 15 tháng khẩn trương thi công, đến giữa năm 2005 tuyến kè trọng yếu này hoàn thành đã mang lại niềm vui cho chính quyền và người dân nơi rốn lũ thôn Trà Đông. Tuy nhiên đến trưa ngày 26/10, có mặt tại đây chúng tôi nhận thấy 5 đoạn trên tuyến kè này đã bị lũ phá tan tành với tổng chiều dài lên đến hơn 140m.
Những đoạn kè lở nghiêm trọng của thôn Trà Đông trong đợt lũ vừa qua.
Nhiều người dân cho biết, trong sáng ngày 30/9 do dòng nước chảy xiết, cộng với gió to nên sóng đánh ầm ầm làm cho chân kè nhiều đoạn bị đứt hoàn toàn khiến hàng trăm tấm lợp được đúc bằng bê tông cốt thép đổ ào xuống lòng sông, trơ ra những nền đất thịt lồi lõm khoét vào.
Ngoài ra, trong đợt lũ vừa qua nhiều khối bê tông khác cũng bị dồn thành từng đống, nằm ngổn ngang ngay mép sông. Trên tuyến kè này còn rất nhiều đoạn đã bị tụt mái nghiêm trọng, “Chỉ cần một cơn lũ trên báo động 2 nữa thôi là đoạn kè này “đi” luôn”, ông Hồ Văn Tống, nhà ngay mép kè lở cho biết.
Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, nếu kéo dài thêm tuyến kè này khoảng 100 mét nữa thì sẽ tránh được tình trạng xói lở ở phần đuôi kè, vì khi đuôi kè lở làm “mồi” gây lở nhiều đoạn tiếp theo. Hơn nữa, chân kè ít đá nên không đủ sức giữ lại khi gặp nước mạnh gây tụt đất và lở kè.
Người dân ở các xã có kè bị sạt lở không khỏi thắc mắc: Vì sao cả hai công trình đều mới đưa vào sử dụng cách đây không lâu mà “tuổi thọ” lại kém đến vậy? Phải chăng, khi tiến hành khảo sát địa hình, khoan thăm dò địa chất để lập thiết kế kỹ thuật, các đơn vị đã không tính kỹ đến sức chịu đựng của công trình trước sự tàn phá của bão lũ hay chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã đặt ra?
Chiều 26/10, sau khi đi khảo sát công trình kè về, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTHT Quảng Nam cho biết: “Hiện giờ sở đang đi khảo sát để có giải pháp sửa chữa sau này”. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí vì sao công trình thế này lại không có cốt thép? Ông Tiến cho biết, đây là công trình do một đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT thiết kế, địa phương chỉ theo đó mà làm.
Theo dantri
Bình luận (0)