Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người Việt dùng hàng Việt: Phải thay đổi được tâm lý “sính ngoại”

Tạp Chí Giáo Dục

Để hàng Việt có thể đến với sự lựa chọn của nhiều người Việt hơn nữa, giới doanh nghiệp, doanh nhân cần phải biết cách thay đổi tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng qua việc cải tiến mẫu mã và chất lượng, chứ không chỉ cạnh tranh về giá như hiện nay.

Hàng Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng ở các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế. 

Ngày 30/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Để tự hào hàng Việt”, với sự có mặt của 7 khách mời đại diện cho doanh nghiệp, hiệp hội chống hàng giả, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. 
Học cách thay đổi tâm lý người tiêu dùng 
Chia sẻ với độc giả trong buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết: “Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Công Thương chuẩn bị các phương án ứng phó với thời điểm 1/1/2009 khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Trong quá trình đó, chúng tôi thấy không xảy ra những biến động lớn trên thị trường như nhiều người lo lắng trước đó.
Chúng tôi vui mừng nhận thấy hàng Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, đã dần dần thay thế hàng ngoại nhập. Chúng ta có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm cam kết gia nhập WTO. Bước vào cuộc vận động này, chúng ta thêm tin tưởng hàng Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam”. 
Tuy nhiên, để hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt, một trong những điều mà doanh nghiệp Việt cần phải làm là học cách thay đổi tâm lý “sính ngoại”. 
“Có sản phẩm như hàng may mặc, may ẩu, gắn mác ngoại vào mà người tiêu dùng cứ tưởng là hàng ngoại thật nên cũng mua. Trong khi đó hàng của mình chất lượng không tồi vì hàng dệt may của chúng ta xuất khẩu năm nay khoảng 9,3 tỷ USD. Nếu bạn đến Mỹ, châu Âu, có thể thấy rất nhiều hàng dệt may của Việt Nam”, ông Khu nói. 
Bên cạnh tâm lý ưa dùng hàng ngoại của một bộ phận dân cư, mẫu mã của quần áo do các công ty Việt Nam thiết kế ít, không hợp xu hướng thời đại cũng là một hạn chế của doanh nghiệp Việt. 
Trả lời thắc mắc của độc giả Nguyễn Văn Minh (Bắc Ninh): “Việc kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt có phải là một chiều, khi người tiêu dùng chưa được bảo vệ một cách hiệu quả trước những vụ vi phạm như vụ sữa nhiễm melamine, xăng dầu gian lận…”?, 
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho hay:  Vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng còn nhức nhối. Bộ Công Thương đang được giao xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng trình Quốc hội xem xét. 
Còn theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): “Muốn vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, trước tiên phải vận động người sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp nỗ lực, sẽ giúp đưa hàng Việt đi vào đời sống”. 
Niềm kiêu hãnh quốc gia 
TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận: “Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là câu chuyện phát triển. 
Chúng ta rất dễ vướng vào vòng luẩn quẩn của phát triển, đơn giản như một nước nghèo bao giờ thu nhập cũng thấp, khi tiêu dùng gần hết, phần còn lại tiết kiệm, không có đầu tư dẫn tới kém phát triển; thu nhập thấp, lại kéo theo tiêu dùng nhiều, không có tiết kiệm, cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn như thế. 
Các nước nghèo, thanh niên chạy theo thị hiếu tiêu dùng của các nước giàu, tiết kiệm thấp, tiêu dùng rất cao… Một quốc gia không có tiết kiệm, đầu tư thấp, tăng trưởng kém, lại tiếp tục vay nợ… Đây là vấn đang được cảnh báo”. 
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên,nhìn cuộc vận động dưới sự hùng mạnh, tự chủ, niềm kiêu hãnh của quốc gia. 
“Riêng tôi nhìn cuộc vận động này dưới góc độ sâu và rộng hơn, có ý nghĩa lớn và nhiều, bởi vì về mặt nguyên lý của một quốc gia hùng mạnh cần một số tiêu chí. Thứ nhất là khát khao của quốc gia đó, khát khao đó dưới mục tiêu chung là đoàn kết dân tộc, lấy kinh tế làm trung tâm. Theo như chuỗi giá trị toàn cầu và lấy kinh tế làm trung tâm thì một quốc gia mạnh chắc chắn phải có nhiều doanh nghiệp mạnh chỉ khi chúng ta chiếm được những phân đoạn tạo giá trị gia tăng cao” – ông Vũ cho biết. 
Do đó, doanh nghiệp cần phải lưu ý hệ thống phân phối, nếu tất cả hệ thống phân phối do nước ngoài kiểm soát thì “cái gì nằm trên kệ thì sống, còn rơi khỏi kệ sẽ bị triệt tiêu”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hùng mạnh là nhờ có những trung tâm nghiên cứu tâm sinh lý của người tiêu dùng. Doanh nghiệp không được trách người tiêu dùng vì họ có quyền chọn sản phẩm tốt và giá hợp lý nhất, chứ không chỉ giá rẻ nhất. 
An Hạ – Lan Hương (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)