Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gia đình tiến sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Nói chuyện với bạn thân, tôi thường kể bằng niềm mến mộ về một gia đình nhà giáo – tiến sĩ họ Phạm ở làng Xuân Khánh, xã Diễn Kỷ (Nghệ An).

1. Các “ông Nghè” ấy là con của cụ Phạm Bân (cả hai ông bà đều đã mất). Trong bốn người con trai của ông bà thì liệt sĩ Phạm Văn Cừ đã nằm lại ở chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Còn ba người, anh trước em sau “nối dòng nho gia”, là tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học hiện đại và giảng dạy ở các trường đại học.
… Tôi biết anh Phạm Đình Thái từ những năm trước 1950 – khi còn là môn đồ của GS. Cao Xuân Huy. Bẵng đi một thời gian dài với bao biến cố thăng trầm, tôi lại gặp anh ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào những năm 1956-1958. Lúc đó anh đã là cán bộ giảng dạy Khoa Sinh học.
Rồi mỗi người một phương trời. Tôi về quê dạy học và trực tiếp dạy hai người em của anh là Phạm Quốc Ca và Phạm Tuấn Vũ. Còn anh được đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Những ngày giặc Mỹ leo thang tiến hành chiến tranh phá hoại: Diễn Kỷ là xứ sở “đội bom đi học”. Tôi và Phạm Quốc Ca cùng với hàng trăm học sinh đã không biết bao nhiêu lần xông ra trận địa pháo để cứu thương và chôn cất tử sĩ. Một hôm, trong căn hầm chữ A, Phạm Quốc Ca cho tôi biết anh Phạm Đình Thái đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ sinh học tại Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Matxcơva).
Sau khi bảo vệ luận án, Phạm Đình Thái về nước, giảng dạy tại Khoa Sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1980, anh được Nhà nước phong hàm phó giáo sư, được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp. Tại Khoa Thổ nhưỡng Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, ngày 10-5-1984 anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với đề tài: “Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong đất và hiệu lực các loại phân vi lượng trên các loại đất chính của Việt Nam”. Đây là kết quả nghiên cứu của Phạm Đình Thái không chỉ trong phòng thí nghiệm mà còn trên các cánh đồng Việt Nam kể từ những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Năm 1991, TSKH. Phạm Đình Thái được Nhà nước phong hàm giáo sư. Anh là một trong những chuyên gia hàng đầu ngành sinh học của đất nước, là giáo sư đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên. Phạm Đình Thái từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Bộ GD-ĐT. Hiện nay, GS-TSKH Phạm Đình Thái là thành viên Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam, chuyên trách Trung tâm Hỗ trợ giáo dục miền núi. Đã ở tuổi thất thập nhưng anh vẫn mẫn cảm, ít nói và dí dỏm như ngày nào. Giờ đây GS-TSKH Phạm Đình Thái vẫn đang bận rộn với những đề tài hỗ trợ giáo dục cho miền núi.
Với Phạm Quốc Ca, trong tình cảm thầy trò xưa cũ, tôi đã ghi đậm những dấu ấn về anh. Những ngày còn học cấp 2 trường làng, dù cuộc sống thời chiến tranh chống Mỹ vô cùng gian khổ, thiếu thốn, nhiều lúc phải học đêm với ánh đèn dầu phòng không le lói dưới nhà hầm, anh vẫn bộc lộ sự thông minh, học giỏi đều tất cả các môn. Trong kỳ thi vào cấp 3, bài văn của anh đạt điểm 10/10 đã gây ra một tiếng vang lớn. Hội đồng giám khảo không tin, đã mở một cuộc điều tra cho ra người làm bài hộ là ai? Người ta đã không tìm được ai ngoài một Phạm Quốc Ca từng được Bác Hồ tặng giải thưởng (1965). Thời học phổ thông anh đã hai lần đạt giải nhất môn văn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An (1964 và 1970).
Giờ đây Phạm Quốc Ca đã trở thành tiến sĩ ngữ văn. Ngày 19-2-2004, anh đã bảo vệ thành công luận án: “Những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam sau 1975” tại Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM.
Về Phạm Quốc Ca còn phải nói thêm anh là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với những giải thưởng văn học: giải nhì (thơ) Báo Tuổi Trẻ TP.HCM (1980), giải nhì (thơ) Hội Văn nghệ TP.HCM (1981), giải nhất (thơ) Hội Văn nghệ TP.HCM (1984), giải nhì (thơ) Lâm Đồng (1985), tặng thưởng hạng B (tập thơ-1995) và tặng thưởng hạng B (lý luận phê bình-2003) của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Anh đã trở thành nhà thơ với những ký ức sâu đậm về quê hương mình.
Từ cánh cổng – hố bom anh đến với chiến trường khói đạn. Trong cuộc sống hiện tại anh vẫn không nguôi nhớ về Một vầng trăng giao liên và bâng khuâng trước cảnh Làng không người. Thơ anh không những chỉ có hình ảnh của Làng trong nỗi nhớ và những Tiếng trầm mà còn tiến xa hơn đến những Chân trời mở, trò chuyện bằng tâm tưởng với Lecmôntôp, với Puskin, chiêm ngưỡng Matxcơva mùa xuân 1990Tuyết ở Petchigorxcơ… Bộn bề công việc giảng dạy ở Khoa Văn Đại học Đà Lạt anh vẫn thổn thức với nỗi Nhớ quê
Phạm Tuấn Vũ là con út trong gia đình họ Phạm, sinh sau đẻ muộn nhưng được học một mạch. Anh từng đạt điểm cao nhất khối C toàn miền Bắc trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1976. Cần mẫn và thông tuệ đã giúp anh vượt mọi khó khăn để thực hiện hoài bão trên con đường học vấn: ngày 24-1-2003 Phạm Tuấn Vũ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: Thể phú trong văn học trung đại Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện anh là Trưởng bộ môn văn học trung đại Việt Nam tại Đại học Vinh.
2. Vậy là, tiếp nối truyền thống một vùng đất học, xã Diễn Kỷ hôm nay đã có thêm một gia đình tiến sĩ. Con cháu của ba “ông Nghè” này đang tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình. Phạm Triều Dương (con GS-TSKH Phạm Đình Thái) từng đạt giải 3 toán quốc tế, là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học vào đầu năm 2005. Thạc sĩ Phạm Quang Huy (con tiến sĩ Phạm Quốc Ca) là cán bộ giảng dạy Khoa Toán – Tin Trường Đại học Đà Lạt (năm 1996 thi khối A vào Đại học Đà Lạt, Phạm Quang Huy đạt 30/30 điểm). Còn Phạm Tuấn Nguyễn (con tiến sĩ Phạm Tuấn Vũ) trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2004 vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đạt 29/30 điểm.
 
Nói chuyện với người lạ, tôi thường khoe quê tôi còn có gia đình họ Ngô ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hai bố con đỗ tiến sĩ đồng khoa. Chuyện hi hữu trong lịch sử khoa cử thời phong kiến này đã được ghi ở Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu (Hà Nội). Đó là tiến sĩ Ngô Trí Tri và tiến sĩ Ngô Trí Hòa sống vào thời Hậu Lê.
 
Nguyễn Trọng Bản (Nghệ An)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)