Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cháu bé sơ sinh suýt bị chôn sống đang bình phục

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu bé sơ sinh 17 ngày tuổi (con của sản phụ Trương Thị Thanh Trúc) suýt bị chôn sống vì bác sĩ bảo sẽ chết, đang dần ổn định sức khỏe sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu chữa. 

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tình trạng cháu bé trai con của sản phụ Thanh Trúc (Bình Thuận) hiện có chuyển biến tích cực. 
Trước đó, lúc 2h sáng ngày 13/11, bệnh viện tiếp nhận cháu bé trong tình trạng nhẹ cân (1,2 kg), nhiễm trùng máu, suy hô hấp, tím tái, tim yếu và loạn nhịp. Các bác sĩ chích thuốc nhiễm trùng, cho thở ôxy… 
Hiện tại, cháu bé đã không còn phải trợ thở bằng máy nhưng phải nằm giường sưởi ở nhiệt độ 36 – 37 độ C, chích thuốc kháng sinh và cháu đã ăn được sữa. 

Cháu bé sơ sinh suýt bị chôn sống đang bình phục

Bác sĩ Mậu cho biết thêm, thường những trẻ sinh non dưới 1kg khả năng sống khó. Còn trẻ sinh non dưới 600gr thì mới bỏ. Trong giấy chứng sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận ghi rõ cháu bé cân nặng 1.300gr nhưng bác sĩ lại bảo đưa về nhà lo hậu sự. 
Liên quan đến sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng, Cục bảo vệ Chăm sóc trẻ em (BVCSTE) – Bộ LĐTBXH. 
Ông đánh giá thế nào về việc làm của cán bộ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận trong sự việc này? 
Việc làm của các BS và y tá kíp trực của BVĐK Ninh Thuận rất đáng trách và cần phải lên án về thái độ phục vụ bệnh nhân, thiếu y đức và thiếu tình người. 
Thực tế cháu bé sinh ra còn sống, sau mấy tiếng đồng hồ cháu bé vẫn còn sống và cháu bé có quyền được sống làm người tại sao là một người thầy thuốc lại có thể buông xuôi không cứu chữa và định tước đi quyền sống của cháu? 
Lương tâm người thầy thuốc không cho phép làm như vậy. Xét theo khía cạnh Luật pháp thì nhóm BS và y tá này đã vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Luật BVCS&GD trẻ em. 
Về góc độ chuyên môn, ông có  ý kiến thế nào về  nghiệp vụ của các y bác sĩ BVĐK Ninh Thuận? 
Với tư cách là một BS Nhi khoa, tôi không đồng ý với lời giải thích kiểu ngụy biện của Ban Giám đốc bệnh viện. Cho dù bác sĩ đó có trình độ yếu kém đến mấy thì cũng biết rằng đối với trẻ em, sự sống rất mỏng manh rất dễ bị mất đi nhưng cũng rất dễ giành lại được từ tay thần chết. 
Trách nhiệm của người thầy thuốc cần phải cứu chữa tích cực, chỉ khi nào dùng ống nghe kiểm tra kỹ lưỡng thấy tim trẻ không còn đập nữa, lúc đó mới được phép dừng lại mọi hoạt động cấp cứu bệnh nhân. 
Hơn nữa, ngoài bác sĩ này ra cũng còn có các đồng nghiệp bên cạnh, tại sao lại toàn bộ kíp trực đỡ đẻ cho sản phụ Trúc đều đồng tình (không ai lên tiếng ngăn cản) việc khuyên gia đình đem cháu về đợi cháu chết rồi đem chôn trong khi cháu vẫn còn thở và vẫn còn phương thức cứu chữa? 
Tại sao lúc gia đình trước khi đem bé đi chôn mở bọc ra thấy cháu còn thở, còn mở mắt đã đem lại bệnh viện để cầu xin các bác sĩ “còn nước còn tát” thì lại bị từ chối và tiếp tục được nghe lời  khuyên gia đình đem cháu về? Tôi đề nghị cần phải nghiêm khắc kiểm điểm về ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh thay vì nói rằng do chuyên môn yếu. 
Với trách nhiệm là lãnh đạo Cục BVCSTE, chúng tôi đã gặp và trao đổi với Sở LĐTBXH của Tỉnh Ninh Thuận để nắm thông tin cụ thể và chính thức chỉ đạo Sở có trách nhiệm phối hợp giải quyết vụ việc này, có kế hoạch hỗ trợ gia đình chị Trúc và báo cáo kết quả về Cục BVCSTE. 
Xin cám ơn ông!
 
Công Quang (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)