Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con nên người: Chuyện không đơn giản

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Nguyên Ngọc đang nói về nghệ thuật làm cha mẹ

Làm thế nào để nuôi dạy con cái trở thành một người công dân tốt trong thời đại ngày nay? Đó là nội dung của buổi tọa đàm “Dạy con làm người: dễ hay khó?” vừa được tổ chức tại Trường Quản trị cuộc đời LIMA, TP.HCM.
Phụ huynh thường mắc sai lầm…
Việc dạy con vốn đã được người xưa coi trọng. Thế nhưng, trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, sự xâm nhập các luồng văn hóa mới làm đảo lộn các mối quan hệ xã hội vượt quá tầm kiểm soát khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn trước vấn đề nuôi dạy trẻ. Làm thế nào để nuôi dạy con cái giờ đã không còn là câu hỏi mà trở thành nỗi trăn trở của không riêng những người làm cha mẹ mà còn là vấn đề lớn của xã hội ngày nay.
Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh đều có chung nhận định là sự đòi hỏi quá cao của xã hội đã khiến cho chính họ luôn mong muốn con mình phải trở thành những người tài giỏi, có chỗ đứng địa vị cao trong xã hội. Chính sự áp đặt sai lầm đó đã mang đến những kết quả tiêu cực cho trẻ như bỏ nhà đi hoang, mắc chứng trầm cảm, thậm chí trở thành tội phạm của xã hội. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Không nhất thiết phải thành bà nọ ông kia, chỉ cần nuôi dạy con cái trở thành một con người bình thường với đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp đã là một thành công”. Nhà văn cho biết thêm, dù ở thời đại nào đi nữa thì con cái vẫn chịu sự ảnh hưởng lớn nhất từ bố mẹ và các hệ giá trị của gia đình. Do vậy, chính gia đình, bố mẹ mới là tấm gương phản chiếu lên tính cách và nhận thức của trẻ. Đó là một khởi đầu quan trọng để sản sinh ra những con người tốt có ích cho cuộc đời. Sẽ không trông mong gì sự “nên người” ở một đứa trẻ khi bố mẹ chúng là những kẻ “không đàng hoàng”, gia đình có quá nhiều bi kịch và bạo lực xảy ra như… cơm bữa.
Bằng những trải nghiệm thực tế, đạo diễn Việt Linh kể về những câu chuyện dạy con của mình. Nhiều năm sống ở Pháp và sinh con ở lứa tuổi muộn màng, bà Linh cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc dưỡng dục một đứa trẻ mà khoảng cách tuổi tác quá xa nhau. Việc dạy con đối với bà có thể xem là một cuộc chiến tranh giành giật trước cái xấu, cái ác. Đúc kết từ những kinh nghiệm của mình, đạo diễn cho biết, việc nuôi dạy con cũng cần phải có một lộ trình. Ai cũng đều đã làm con trước khi trở thành những ông bố bà mẹ, vì thế các bậc phụ huynh phải đặt mình là đứa trẻ của ngày xưa để hiểu và tôn trọng con cái. Không nên làm cho trẻ những điều mà chính bản thân mình không mong muốn. Đây cũng là một cách dạy con. Và hơn hết, trẻ phải được giảng dạy từ những câu chuyện, sinh hoạt vốn dĩ nhỏ nhặt, vụn vặt từ trong cuộc sống.
Phụ huynh phải là “nhà giáo dục”
Tại buổi tọa đàm, nhiều diễn giả đồng nhất quan điểm dạy con cũng là một nghệ thuật. Nó không có công thức và mẫu số chung nhưng được xây dựng dựa trên những nguyên lý là các chuẩn mực, các giá trị tốt đẹp của con người. Vì thế, tùy theo đặc điểm gia phong và tính cách con trẻ mà các bậc phụ huynh phải tự trang bị cho mình những kiến thức để đồng thời trở thành một nhà giáo dục. Bà Quách Thu Nguyệt, đại diện Trường Quản trị cuộc đời LIMA nhận định: “Để có thể hiểu và dạy được con, các bậc cha mẹ cần phải học hỏi không chỉ từ người khác mà từ chính cả con mình”. Muốn làm được điều đó, đạo diễn Việt Linh cho biết, nguyên tắc đầu tiên là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái phải gần nhau. Con trẻ luôn có những ức chế và nỗi niềm cần được chia sẻ, khi đó cha mẹ phải đóng vai trò là người bạn thân thiết để giúp con giải tỏa.
Bà Linh cho hay, nhất thiết phải dạy con về lòng tự trọng, tính tự lập và sự tự do trong cách nghĩ. Vì thế các ông bố bà mẹ không nên quá nuông chiều con, không nên đáp ứng hết các đòi hỏi của con để trẻ nhận thức rằng trong cuộc sống không phải những gì ta mong muốn đều có được. Muốn thế, các bậc phụ huynh cần “làm chủ”, kìm nén bản thân và là một con người mẫu mực…
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)