Từ 1-6-2020, giấy phép lái xe (GPLX) sẽ được cấp theo mẫu mới. Điều đặc biệt của loại GPLX này là cảnh sát giao thông (CSGT) có thể sử dụng điện thoại thông minh để xác định “hàng thật” một cách nhanh chóng và chính xác. Ưu điểm này sẽ góp phần triệt tiêu tình trạng sử dụng GPLX giả, loại “bùa hộ mệnh” mà bằng mắt thường vốn khó phân biệt.
Mẫu giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR)
Giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR)
Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành, sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho thấy có điểm mới là quy định sửa đổi về mẫu GPLX. Cụ thể, từ ngày 1-6-2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý cấp GPLX. Thông tư cũng nêu rõ GPLX mới gồm các đặc điểm cụ thể như kích thước 85,6 x 53,98 x 0,76 (mm); có tiêu đề “Giấy phép lái xe/Driver’s License”, “Các loại xe cơ giới đường bộ được điều khiển”, chữ “Số/No” và “ngày trúng tuyển” có màu đỏ, các chữ khác in màu đen. Trong khi đó, từng hạng mà người lái xe được phép điều khiển sẽ được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Đối với GPLX mới này, ảnh chân dung sẽ được in trực tiếp trên GPLX và có lớp màng phủ bảo an trên hai mặt của GPLX. Phôi GPLX được làm bằng vật liệu PET hoặc vật liệu có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương, có hoa văn màu vàng rơm và các ký hiệu bảo mật. Theo thống kê của Bộ GTVT, trong năm 2019, toàn quốc đã cấp 842.600 GPLX ô tô; gần 1,9 triệu GPLX mô tô, gắn máy. Đến ngày 30-11-2019, toàn quốc có trên 8,2 triệu GPLX ô tô và trên 45,8 triệu GPLX mô tô, gắn máy. Theo lực lượng chức năng, GPLX có mã hai chiều (QR) được “khai sinh”, nhằm giải quyết triệt để tình trạng cấp GPLX giả, sử dụng GPLX giả, tuy nhiên những GPLX được cấp trước ngày 1-12-2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép, nên người dân có thể an tâm sử dụng loại GPLX mình đã được cấp chính thức.
Phát hiện giấy phép lái xe giả nhờ điện thoại thông minh
Ủng hộ mô hình này, tài xế lái xe taxi Nguyễn Thành Nghĩa cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ để phát hiện GPLX giả là điều quan trọng, nhằm tạo ý thức cho người dân, tránh tình trạng bỏ vài triệu đồng để có cái bằng lái, đến khi điều khiển xe gây tai nạn hối hận cũng không kịp”. |
Theo lý giải của Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Thiên Tâm (324 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh), GPLX mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý cấp GPLX. Nhờ đó, CSGT có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã để kiểm tra thông tin của người lái xe trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ. Nhờ đó có thể xác định GPLX được làm giả, trường hợp khai báo mất để làm lại hoặc những GPLX không hợp lệ… Theo ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam), việc lực lượng chức năng truy cập vào hệ thống dữ liệu GPLX của Tổng cục Đường bộ để phục vụ công tác giám sát đã thấy những hiệu ứng tích cực, trong đó đã phát hiện 30.000 hành vi vi phạm giao thông. Do đó, phương thức sử dụng điện thoại thông minh để phát hiện GPLX giả cũng sẽ là cách làm tích cực nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng này một cách triệt để hơn. Ủng hộ mô hình này, tài xế lái xe taxi Nguyễn Thành Nghĩa cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ để phát hiện GPLX giả là điều quan trọng, nhằm tạo ý thức cho người dân, tránh tình trạng bỏ vài triệu đồng để có cái bằng lái, đến khi điều khiển xe gây tai nạn hối hận cũng không kịp”.
Bên cạnh giải pháp sử dụng điện thoại thông minh để xác định GPLX thật – giả, quy trình đào tạo và sát hạch cấp GPLX cũng sẽ được giám sát chặt chẽ bằng ứng dụng công nghệ. Theo đó, kể từ ngày 1-5-2020, tất cả các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quốc sẽ đồng loạt triển khai ứng dụng công nghệ nhận dạng học viên. Điều này đồng nghĩa với việc học viên bắt buộc phải đến lớp học lý thuyết để hoàn thành giáo trình môn pháp luật giao thông đường bộ. Đối với 4 môn lý thuyết còn lại vẫn sẽ điểm danh theo sổ như trước đây. Riêng đối với phần thực hành, trên các xe ô tô tập lái cũng sẽ được lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và hành trình trong suốt quá trình học viên tham gia đào tạo cũng như lúc sát hạch cấp GPLX. Phải đến lớp để được lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả theo anh Bùi Thanh Hiển (quận Tân Bình) là việc cần và đủ, vì “chỉ có học mới biết cách lái xe an toàn, an toàn cho mình và cho những người cùng tham gia giao thông”.
Đinh Đàm
Bình luận (0)