(Tiếp theo và hết)
Trường học là nơi GDGT rất có hiệu quả. Ảnh: H.Triều |
Giáo dục giới tính (GDGT) là một quá trình thu thập thông tin, hình thành thái độ và niềm tin về tình dục, nhận dạng bản sắc giới tính, các mối quan hệ và sự riêng tư của cá nhân. GDGT cũng bàn về sự phát triển các kỹ năng của thanh thiếu niên (TTN) để các em đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho hành vi của mình…
Ai là người thực hiện GDGT?
Công việc GDGT của một người phụ thuộc vào mối quan hệ, vai trò và chuyên môn của họ.
Ở gia đình, cha mẹ là người có mối quan hệ tốt nhất với TTN nên việc GDGT có thể bắt đầu từ khi các em còn nhỏ. Đương nhiên, cha mẹ phải duy trì mối quan hệ mở với trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt phải cung cấp cho trẻ cơ hội để đặt câu hỏi khi trẻ cần. Phụ huynh và những người chăm sóc nên chủ động tham gia vào các cuộc thảo luận về giới tính, tình dục với TTN. Tất nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ và con cái cảm thấy xấu hổ khi nói ra một số khía cạnh của giới tính, tình dục. Do đó, GDGT cần được xem như một cuộc đối thoại qua lại về giá trị, thái độ và các vấn đề nảy sinh cũng như cung cấp các dữ kiện để có thể giúp đỡ trẻ. Điều tốt nhất để tiếp tục công việc này là hợp tác và duy trì một mối quan hệ xây dựng, trong đó người trẻ tuổi có thể đặt câu hỏi, hoặc nêu ra vấn đề nếu họ cảm thấy cần. Trên thế giới, các quốc gia như Hà Lan, nơi mà nhiều gia đình coi GDGT như là một trách nhiệm quan trọng – họ nói chuyện cởi mở với con cái về giới tính, tình dục, điều này góp phần cải thiện sức khỏe tình dục cho TTN.
Ở trường, sự tương tác qua lại giữa giáo viên và TTN theo một hình thức khác và thường các kiến thức về giới tính được cung cấp thông qua hệ thống các bài học. Nó không phù hợp với hình thức tư vấn cá nhân vì các thông tin được cung cấp dựa trên quan điểm khách quan. Chương trình ở trường cũng liên quan đến các bậc cha mẹ, thông báo cho phụ huynh biết những gì đang được dạy và kiến thức nào có thể hỗ trợ cho cuộc đối thoại tại gia đình. Cả phụ huynh và các giáo viên trong trường học cần phải tham gia cùng TTN trong việc tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, trao cho trẻ cơ hội để thảo luận.
Hiệu quả của trường học trong việc GDGT
GDGT trong trường học là một hình thức quan trọng và hiệu quả nhằm nâng cao kiến thức, thái độ và hành vi cho TTN. Có một sự đồng thuận rộng rãi đối với giáo dục chính quy là nên bao gồm các hoạt động GDGT.
Tính hiệu quả của các chương trình GDGT ở trường học bao gồm các nội dung như: tập trung vào việc giảm thiểu các hành vi rủi ro; dựa vào nền tảng lý thuyết để giải thích những lựa chọn tình dục và hành vi của con người; liên tục tăng cường thông báo về hành vi tình dục; cung cấp những thông tin chính xác về các rủi ro liên quan đến hoạt động tình dục, tránh thai, mang bầu, sinh đẻ hoặc các cách thức từ chối quan hệ tình dục.
Không chỉ dừng lại ở đó, chương trình GDGT ở trường còn cung cấp cho TTN cách đối phó với bạn bè và các áp lực xã hội khác khi các em gặp rủi ro trong quan hệ tình dục; cung cấp các cơ hội để giao tiếp trực tiếp, các kỹ năng thương lượng và đưa ra quyết định.
Ở trường, giáo viên đã sử dụng đa dạng các phương pháp tiếp cận để dạy và học gắn với liên hệ bản thân, sự tham gia của TTN và giúp các em gắn kết thông tin với bản thân.
Giáo viên cũng cần lưu ý, nên sử dụng các phương pháp tiếp cận dạy và học sao cho phù hợp với độ tuổi, kinh nghiệm và nền văn hóa của các em; sáng tạo ra các hình thức GDGT mới có hiệu quả hơn.
GDGT trong nhà trường khác ở gia đình, vì nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian. Và nhà trường cũng không phải là nơi lúc nào cũng có các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục của TTN.
Trường học – dựa trên các chương trình giáo dục đặc trưng, có ưu thế trong việc cung cấp thông tin và cơ hội để phát triển các kỹ năng và chọn lọc thái độ rõ rệt theo phong cách trang trọng hơn thông qua các bài học trong chương trình giảng dạy.
Ngô Xuân Điệp
(Khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng II)
Bình luận (0)