Đầu năm mới thường là thời gian tốt để dạy trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên về lòng tốt, về sự nhân ái và tình cảm giữa con người với nhau. Tết cũng là thời gian giúp trẻ nhớ về cội nguồn và biết ơn ông bà cha mẹ đã vất vả để cho chúng một cuộc sống tốt đẹp.
Tặng quà đầu năm.
Quà tặng đóng vai trò quan trọng trong những ngày lễ, nhất là dịp năm mới. Món quà chưa cần biết giá trị lớn hay nhỏ nhưng người nhận quà đều cảm thấy hạnh phúc vì tấm lòng của người tặng quà.
Ở các nước phương Tây, trẻ em thường viết thư gửi ông già Noel để xin quà và điều ước (thực chất là bố mẹ mua và nhờ người đóng giả ông già Noel mang tới), còn ở các nước châu Á, trẻ em thường cầu nguyện và được mừng tuổi bằng phong bao lì xì.
Cha mẹ có thể nhân dịp này khuyến khích trẻ đóng góp một phần quà và tiền lì xì cùng với những lời chúc tốt đẹp cho những bạn kém may mắn hơn thông qua các quỹ từ thiện dành cho người nghèo, trẻ em nghèo học giỏi, quỹ Đoàn, những tổ chức thanh niên tình nguyện… hoặc gợi ý cho trẻ tiết kiệm tiền để mua quà tặng ông bà, cha mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo.
Làm tình nguyện viên
Khuyến khích trẻ tham gia và trở thành tình nguyện viên thường xuyên của một nhóm hay tổ chức nào đó là một việc mà các bậc phụ huynh nên làm với con trẻ.
Việc tham gia đó không chỉ giúp trẻ có một môi trường rèn luyện, một công việc để làm mà còn là vì tình cảm giữa con người với nhau.
Khi được giúp đỡ người khác, trẻ em thường có tâm lý rất vui vì đã đóng góp một phần công sức cho cộng đồng.
Hiện tại có rất nhiều các nhóm tình nguyện do sinh viên thành lập thu hút nhiều thành viên tham gia không kể độ tuổi già trẻ trai gái, chỉ cần có tấm lòng nhiệt tình, thương người như thể thương thân tiến hành các hoạt động như mùa đông ấm, mùa hè xanh, trung thu ý nghĩa, tết ấm…bạn có thể để con em mình tham gia một trong các hoạt động đó.
Trẻ em từ môi trường đó thường trưởng thành và tự tin nhiều hơn so với những đứa trẻ quen được cưng chiều mà không phải đụng chân tay vào bất cứ việc gì.
Luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người
Giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ, anh chị em là việc hiển nhiên mà trẻ em nên làm và nên được dạy để làm những việc đó nhưng có tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác, người ngoài gia đình lúc khó khăn mới thể hiện được con người nhân ái của trẻ.
Bản chất của trẻ là tốt bụng và thật thà nhưng lại không hay để ý tới cuộc sống xung quanh. Vì vậy, các ông bố bà mẹ nên định hướng cho trẻ nên làm gì và làm như thế nào trong các tình huống.
Trẻ em ngày nay ở các nước phát triển và đang phát triển có cuộc sống khá đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, vẫn còn có những cảnh nghèo đói khó khăn, nhiều trẻ em thiếu cơm ăn áo mặc, không được đến trường.…
Do đó, việc xây dựng lòng nhân ái và sự đồng cảm giữa con người với nhau cho trẻ sẽ giúp trẻ có động lực “cống hiến” xây dựng cộng đồng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
|
Ví dụ, bạn có thể gợi ý cho con bạn rằng ông bà đang rất muốn có người đi bộ hoặc thể dục cùng hoặc người hàng xóm nhà bạn là một cụ già cao tuổi, thường ở nhà một mình và rất muốn có người thỉnh thoảng nói chuyện cho đỡ buồn, con có thể sang giúp một vài việc vừa sức.
Hoặc là những trẻ em ăn xin ngoài đường phố rất khổ vì thường xuyên bị đói nên nếu có gặp thì hãy cho các em ấy một ít tiền lẻ; khi nhìn thấy người già, em nhỏ, người khuyết tật qua đường nên giúp đỡ, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất…
Với những việc vừa sức, trẻ hoàn toàn có khả năng làm được nhưng nếu trẻ chủ động làm giúp thì đó là một thành tích cho các bậc phụ huynh trong việc dạy con.
Bổ sung cho trẻ môi trường “hạt giống tâm hồn”
Đừng quên bổ sung tủ sách cho bé những “hạt giống tâm hồn” hay “cửa sổ tâm hồn” và khuyến khích chúng đọc cũng là một cách để dạy trẻ làm việc tốt, sống lương thiện.
Thỉnh thoảng cho bé đi xem những bộ phim tâm lý ý nghĩa phù hợp với lứa tuổi của chúng cũng là một cách giáo dục hiệu quả tránh thói ích kỷ cho trẻ.
Bố mẹ nên làm gương cho bé
Khuyên trẻ, khuyến khích trẻ và hướng dẫn trẻ sống tốt, sống đẹp nhưng nếu chính bản thân cha mẹ không là người đi “tiên phong” trong chuyện đó thì cũng không thể thuyết phục con trẻ hoàn toàn.
Các bậc phụ huynh chỉ cần làm ngược lại với những gì đã hứa và đã nói với trẻ đều có thể khiến chúng nghĩ rằng bố mẹ chỉ nói vậy thôi, bố mẹ nói dối hoặc là tại sao mình phải làm vậy trong khi bố mẹ không như thế…
Việc xây dựng nhân cách cho trẻ đặc biệt là tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc khó khăn cần một quá trình rèn luyện lâu dài và liên tục.
Do đó các bậc phụ huynh nên thường xuyên lặp lại quá trình dạy bảo và hướng dẫn khéo léo để trẻ từ việc hình thành thói quen dẫn tới trở thành tính cách con người.
Hạ Vy
Theo SheKnows.com/TPO
Tin liên quan
Những ngày cuối năm, khi những cơn gió se lạnh báo hiệu năm cũ sắp qua, khắp phố phường TP.HCM bắt đầu...
1.Đặt chân đến xứ sở Bạch Dương tròn 37 năm về trước, cảm xúc đón ngần ấy cái Tết Việt ở xứ...
Với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn, người lao động, không để bất kỳ ai bị bỏ lại...
Để góp phần giữ gìn nghề truyền thống hàng trăm năm, nhiều làng nghề ở tỉnh Quảng Nam đã đưa ra giải...
Bình luận (0)