Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người phụ nữ trong hành trình cắm mốc biên giới

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 10 năm “ăn núi, ngủ rừng” cùng đội phân giới cắm mốc, mỗi ngày đi bộ hàng chục kilomet, có những lúc ngồi trên bãi mìn, tính mạng bị đe dọa, thế nhưng, cột mốc cuối cùng vẫn hằn dấu chân chị.
Là người phụ nữ duy nhất tham gia trực tiếp vào hành trình phân giới cắm mốc ở Hà Giang, chị Nguyễn Kim Tuyến năm nay đã gần 40 tuổi. Nhìn dáng người thấp nhỏ, khuôn mặt hiền và cách nói chuyện gần gũi, ít người biết rằng chị là người “đi bộ nhiều nhất Hà Giang”.
Vốn là cựu sinh viên trường Đại học Xây dựng, rời ghế nhà trường, người con gái Tuyên Quang lại khăn gói đến nơi địa đầu tổ quốc. Mong muốn được đóng góp công sức, chuyên môn vào xây dựng vùng quê biên giới, chị đầu quân cho Sở xây dựng Hà Giang. Nhiều công trình, dự án nơi đây đã có sự góp sức của chị.
Chị Tuyến bên cột mốc đã được cắm. Ảnh: Hoàng Thùy
Năm 2003, khi tổ cắm mốc mới đi được một chặng đường ngắn, nhận thấy việc có thêm một kỹ sư hỗ trợ nhóm trong việc khảo sát địa bàn, giám sát quá trình xây dựng mốc giới là việc cần thiết, Sở ngoại vụ Hà Giang yêu cầu Sở xây dựng tăng cường cho nhóm một kỹ sư. Rà soát, chọn lọc kĩ càng, người thì chân yếu tay mềm, người thì đang bận các dự án khác, chị Nguyễn Kim Tuyến được chọn tăng cường sang tổ phân giới cắm mốc với lý do vẫn còn đơn thân, không bị gò bó chuyện gia đình. Cả đội hình toàn nam, ai cũng nhìn chị với ánh mắt ái ngại, không biết chị có chịu đựng nổi cảnh trèo đèo vượt suối không.
Cột mốc đầu tiên mà chị tham gia cùng đoàn phân giới là mốc 172. Mốc này ở xa nên anh em phải dựng lán ở tạm. Gần 10 ngày “ăn núi, ngủ rừng”, giữa cái heo hút của đại ngàn, rồi giá buốt vì sương lạnh, chị cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc của những người đang thực hiện nhiệm vụ cao cả giữ gìn biên cương của tổ quốc. Chính vì thế, chị càng quyết tâm gắn bó với đội phân giới.
Chị chia sẻ: “Đường biên giới Việt – Trung ở địa phận Hà Giang đều là núi rừng, nơi những dãy đá tai mèo lởm chởm nên việc di chuyển rất khó khăn. Có những vị trí phải trèo đèo suốt mấy ngày, nước ăn uống, xây dựng thiếu thốn, đó là còn chưa kể đến những lúc tính mạng bị đe dọa khi ngồi trên bãi mìn mà không hề hay biết”.
Có những nơi đi đến nửa ngày đường, xe lúc chồm lên, lúc lại lao xuống vun vút khiến chị sốt ruột vì đường xa. Thấy vậy, những người đồng hành với chị cười nói: “Chị cứ đếm những khúc cua mà xe qua, lúc nào đủ 23 vòng cua thì sẽ đến”. Nhưng xe dừng lại đâu đã đến được đúng vị trí mốc. Đoàn phải gửi xe, đi bộ hàng giờ nữa mới tới nơi.
Chị kể: “Những ngày đầu đi về chân mình mỏi nhừ, sưng tấy, có khi còn bật máu nữa. Nhưng đi nhiều thành quen, bàn chân chai lỳ đến không còn cảm giác. Giờ không đi nữa lại thấy nhớ rừng, nhớ núi, nhớ những đêm mấy anh em quây quần bên nhau uống rượu ngô cho đỡ lạnh, rồi túm tụm thổi sáo. Những bài tình ca biên ải được cất lên chẳng khác gì bộ đội ngồi nghe văn công ngày xưa”.
Chị Tuyến và những kỷ vật về phân giới cắm mốc. Ảnh: Hoàng Thùy
Cách đây gần 30 năm, Hà Giang chính là điểm nóng nhất của mặt trận Hà Tuyên. Mìn cài chưa kịp nổ đã có một lớp mìn khác cấy lên. Khi hòa bình lập lại, bãi mìn ấy vẫn còn lẩn khuất dưới chân, chỉ chờ va chạm mạnh là phát nổ.
Chị Tuyến kể, từ cột mốc 262 đến 286 mìn dày đặc trong từng mét đất. Thế nên khi đào móng xây kè làm cột mốc, mọi người không dám dùng máy mà mấy chục công nhân phải dùng tay xới đất. Đào được một lúc lại phải đưa máy vào dò. Mỗi tiếng kêu phát ra báo hiệu tử thần đang rình rập, cả đội phải dừng tay để lính công binh vào xử lý. Riêng ở cột mốc 408, cả đội vừa ngồi nghỉ, ăn trưa trên mỏm đá, thì đến khi đào phát hiện 4 quả mìn nằm ngay phía phía dưới, cánh mặt đất chừng một gang tay. Ai cũng xuýt xoa vì “số cả đoàn vẫn còn may”.
Biết bao phen ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi nhát cuốc người thợ chỉ vài cm nữa là chạm đến mìn, ấy vậy mà chị Tuyến vẫn không hề lo sợ. Chị nói: “Ở đây người dân đi làm nương bị vướng mìn nhiều lắm. Có người bị chết, có người tàn tật. Như gia đình ông Hòa ở xã Minh Tân, Vị Xuyên đã mất 4 người con và 12 con trâu vì mìn, nhưng họ vẫn bám làng, bám bản. Ông không đi vì sợ “tao đi thì đất mất”. Người dân còn quyết tâm giữ gìn biên cương tổ quốc, thì những nguy hiểm kia với chúng tôi có đáng gì chứ”.
358 mốc chính và 84 mốc phụ trên 273km đường biên ở Hà Giang không nơi nào không có dấu chân chị.
Trong căn nhà nhỏ nằm nép trong ngõ của thị xã Hà Giang, chị đã đón hai đứa cháu ở quê lên nuôi chúng ăn học và để "vui cửa vui nhà". Rót chén rượu ngô ngọt nồng mời khách, người nữ kỹ sư xây dựng ấy cười bảo: “Số mình nó vậy, được tham gia vào đoàn phân giới cắm mốc, làm nghĩa vụ thiêng liêng mà đất nước giao phó đã là hạnh phúc cả một đời rồi”.
Hoàng Thùy (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)