Trước lưỡi lửa tử thần, không lo sợ, Dũng bình tĩnh hô bà con bản địa đang tham gia dập lửa cùng nằm úp mặt xuống để ngọn lửa trào qua người. Nhờ kinh nghiệm này mà tất cả mọi người thoát chết trong gang tấc.
Lê Tiến Dũng: Tôi đã học được nhiều kinh nghiệm của bà con trong việc cứu rừng (ảnh: H. Ngân).
Con đường đèo dốc dài chừng 30km từ thị trấn Sa Pa (Lào Cai) dẫn chúng tôi về thôn Séo Mý Tỷ (xã Tả Van, huyện Sa Pa) – lõi của rừng quốc gia Hoàng Liên và là một trong những nơi được phát hiện cháy đầu tiên.
Leo lên ngọn núi phía trước, dưới chân chúng tôi là những lớp thực bì bị đốt thành tro bụi đen xì, đôi chỗ vẫn còn nóng ran, nhiều gốc cây vẫn âm ỉ cháy mùi khói, tro tàn bốc lên nồng nặc.
Đứng ở độ cao chừng hơn 2.000m, kiểm lâm viên Lê Tiến Dũng (Hạt kiểm lâm vườn Quốc gia Hoàng Liên) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện anh cùng khoảng 15 người dân bản địa bị “rừng” lửa trào qua người và tất cả đã may mắn thoát chết nhờ kinh nghiệm.
Lúc đó là khoảng 15h ngày 12/2 (tức ngày 29 Tết), Dũng cùng 15 người bản địa đang tiến hành phát rừng tại khu vực này để tạo đường băng cản lửa thì bất ngờ gió lốc dữ dội “nhấc” ngọn lửa từ phía rừng bên tiến sang gần nơi anh và mọi người đang làm nhiệm vụ.
Lửa cháy rừng rực tiến lại gần, biết nguy hiểm đang chờ mình và mọi người, Dũng dùng loa tay hô to mọi người chạy ngược lên núi. Ngọn lửa dữ dội vẫn vun vút lao nhanh như muốn cuốn phăng đi tất cả.
Thục mạng chạy được chừng 200m, gặp đúng chỗ đám cây rừng bị lửa quét qua từ mấy ngày trước, bất ngờ Dũng hô to cho mọi người nằm úp mặt xuống đất. Đúng lúc này ngọn lửa hung tàn chồm lên, quét qua tất cả mọi người và cháy dữ dội ngay bụi cây bên cạnh.
Lửa cháy mỗi lúc một lớn, đồng đội Dũng ở dưới chân núi cuống cuồng lo đường lên núi cứu người nhưng tất cả đều bất lực bởi bốn bề “Hỏa diệm”.
Bộ đàm của Dũng lúc này đã mở hết công suất để liên lạc với đồng đội, thi thoảng lại có tiếng hét lên yêu cầu mọi người lấy nước vỗ vào mặt để lấy ôxy cho dễ thở… 30 phút trôi qua trong im lặng, Dũng cùng bà con dân bản thoát chết trong gang tấc nhờ kinh nghiệm.
Theo Dũng, đó là bài học kinh nghiệm anh được đào tạo trong trường khi tham gia chữa cháy rừng, nếu không may bị lửa quét đến thì cách tốt nhất là chọn nơi lửa không có cơ hội cháy lâu và nằm úp mặt xuống đất bởi khi đó chỉ có sát mặt đất mới có lượng ô xi để thở còn lượng ô xi bên trên đã bị lửa đốt cháy hoàn toàn.
Khi bước xuống núi, đồng đội đã lao vào ôm anh như thể gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, còn Dũng lúc đó chưa kịp nói gì bởi cổ họng anh nghẹn bứ khi thổ ra một đống tro bụi.
Dũng kể đã công tác ở Hạt kiểm lâm được 3 năm với bao trận đi rừng và cứu cháy rừng nhưng lần này là vất vả hơn cả, quần áo về nhà giặt tới 8 nước mà vẫn màu… cháo lòng.
Dũng cho biết, trong vụ cháy này, chính kinh nghiệm chữa cháy và sự nhiệt tình, dũng cảm của người dân bản địa khiến cho các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng không ngờ tới.
Ví như, nhiều người dân chặt cây chuối rừng nhét vào trong thân cây rỗng đang cháy. Cây càng cháy, nước trong thân chuối càng trào ra để dập tắt lửa ở gốc cây. Cách này, Dũng chưa hề được học trong trường Cao đẳng Nông lâm.
Ngoài ra, việc bà con cầm dao quắm bới từng đám thực bì còn cháy để múc nước đổ vào hay leo lên cả ngọn cây đổ nước dập lửa khiến cánh kiểm lâm cũng rưng rưng nước mắt. Hoặc sự thông thuộc địa hình, nắm bắt những khu vực có con suối chảy qua để làm chỗ tiếp nước và tránh lửa khiến lực lượng chữa cháy càng thêm cảm phục.
Dũng tâm sự, khi nhận nhiệm vụ đi cứu cháy rừng chỉ kịp gọi điện thoại báo cho gia đình yên tâm. Đến chiều mùng 3 Tết (ngày 16/2), giống như hàng nghìn cán bộ chiến sĩ quân dân Lào Cai trong vụ cứu rừng Quốc gia Hoàng Liện, Dũng trở về gia đình ăn tết muộn trong niềm vui khôn xiết của người thân. “Tết muộn nhưng mà vui!” – Dũng nói.
Hồng Ngân (dantri)
Bình luận (0)