Chuyện một cháu bé 14 tháng tuổi ở Bình Dương chết vì úp mặt vào xô nước xảy ra chưa lâu thì tại TPHCM, thêm một trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch cũng vì… xô nước. Đáng tiếc, những tai nạn trên đều được phát hiện sớm nhưng không được sơ cứu kịp thời.
Chăm sóc trẻ bị ngạt nước tại phòng cấp cứu (ảnh: Ngọc Thanh)
Những tai nạn đau lòng vì… xô nước
Ngày 25/2, tai nạn thương tâm xảy ra tại trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (số G/13 phố Nhị Đồng, thị trấn Dĩ An, Bình Dương) gây ra cái chết cho cháu bé Trương Thúy Vy 14 tháng tuổi. Chiều hôm đó, sau giờ tan ca, cha mẹ cháu là anh Trương Công Nhinh và chị Trịnh Thị Hòa đến đón con thì bàng hoàng được biết con gái mình đã tử vong từ buổi trưa.
Trong lúc tự đi vệ sinh mà không có người để mắt, cháu Vy ngã vào xô nước. Theo lời khai từ phía nhà trường, họ phát hiện chỉ sau vài phút và sơ cứu trước khi đưa đi cấp cứu nhưng cháu vẫn không qua khỏi.
Sau đó, cơ quan chức năng đã xét nghiệm và kết luận cháu Vy chết do bị ngạt nước. Nỗi đau khôn tả giằng xé anh Nhinh, chị Hòa khi con gái mình vừa nhập học 2 hôm đã chết tức tưởi vì sự bất cẩn của cô giáo.
Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra chưa lâu thì mới đây, ngày 17/3, tại TPHCM thêm một cháu bé bằng tuổi nguy kịch cũng vì xô nước tại nhà trẻ. Nạn nhân là cháu V (tạm trú tại Cát Lái, Q.2) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đã ngưng thở. Cháu V cũng bị ngã cắm đầu vô xô nước trong nhà vệ sinh.
Sau khi chuyển đến Khoa hồi sức, BV Nhi Đồng 2, cháu V lại tiếp tục tái hôn mê sâu do thiếu oxy não và nguy hiểm đến tính mạng. Não cháu V đã bị tổn thương và chưa thể tiên lượng hậu quả thế nào. Nếu được cứu sống cũng sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng.
Cần sơ cứu kịp thời và đúng cách
Hai vụ tại nạn đáng tiếc trên cho thấy, những xô nước tưởng như vô hại lại hết sức nguy hiểm đối với trẻ nhỏ khi không có người lớn bên cạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện, Khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cho biết: Khi trẻ ngộp nước sẽ làm ngưng thở và co thắt thanh quản. Hậu quả là giảm oxy máu dẫn đến mất tri giác và trụy tuần hoàn. Ngoài ra, khi ngộp nước, do phản xạ làm thở dồn dập, hút nước nhanh vào cơ thể dẫn đến phù phổi.
Theo bác sĩ Thiện, cách xử trí gồm các bước:
– Lay xem bé còn tỉnh hay mê
– Hà hơi thổi ngạt 5 lần: thổi bằng miệng để cung cấp khí của mình cho em bé. Bé nhỏ tuổi thì thổi vào cả mũi và miệng. Nếu bé không phản ứng thì mới bắt mạch và ấn tim.
– Ấn tim theo đúng kĩ thuật: phải bắt mạch trước khi ấn tim. Nếu có mạch mà ấn tim thì rất nguy hiểm.
Những thao tác trên chỉ làm trong 5 phút, sau đó phải đưa đi cấp cứu ngay.
Nếu bé bị ngộp trong 5 phút thì sơ cứu vẫn có hiệu quả; khi đã quá 5 phút, não sẽ bị tổn thương nặng. Lúc xảy ra tai nạn, nếu không được cấp cứu kịp thời thì bé sẽ bị tổn thương nhiều thứ, đặc biệt là não và sẽ để lại di chứng về sau.
Nhiều người dùng cách dốc ngược trẻ để xốc nước… lại càng nguy hiểm. Cũng không nên ủ ấm, chườm khăn. Nếu không biết cách sơ cứu thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất vì nếu sơ cứu không đúng cách càng gây hậu quả nặng nề cho nạn nhân.
Ngày 8/3, một cháu bé tên N.M.N bị ngã xuống ao, nhưng may mắn được mẹ kịp thời sơ cứu, hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo, ấn tim đúng cách, trước khi chuyển đến bệnh viện nên cháu bé đã qua cơn nguy kịch.
|
Theo dantri
Bình luận (0)