Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi cha mẹ là “rào cản”…

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ là ngườiđóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai cho con. Thế nhưng không ít người lại trở thành “rào cản” cho con mình theo kiểu… “đặt lệnh”!
Từ sự quen biết
Thật vậy, có rất nhiều phụ huynh chọn ngành học cho con theo sự… quen biết với mong muốn giúp con cái sau này dễ xin việc. Tuy nhiên một điều mà họ quên mất rằng nghề đó, công việc đó có phù hợp với mong muốn, sở thích và năng lực của con mình hay không?
Nếu cha mẹ hỗ trợ tốt cho con định hướng nghề nghiệp thì con sẽ có niềm vui trong công việc. Ảnh: I.T
Từ nhỏ, Vân nuôi ước mơ trở thành một cô giáo. Thế nhưng, bố mẹ cô lại là những người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Bằng sự quen biết, những mối quan hệ rộng rãi, ngay từ khi con gái mới bước chân vào cấp 3, bố mẹ Vân đã có ý định hướng cô trở thành một doanh nhân. Bạn bè không mấy ngạc nhiên khi Vân từ bỏ giấc mơ cô giáo để thi vào khoa quản trị kinh doanh của một trường đại học có tiếng. Nhưng ít ai nhận ra rằng, cô rất mệt mỏi với những con số và phép tính trong suốt 4 năm đại học. Nhất là việc bố mẹ đặt hết hy vọng vào Vân, hầu như những cuộc gặp gỡ, giao lưu nào giữa các doanh nghiệp, ông bà cũng muốn con gái tham gia, mong cô học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Chính điều này càng khiến Vân cảm thấy chán nản, càng nuối tiếc giấc mơ trở thành nhà sư phạm của mình.
Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc Vân vào làm cho một công ty bất động sản, vốn là chỗ thân quen với gia đình. Thế nhưng, đi làm chưa được hai năm, bạn bè lại thấy cô… lặng lẽ thi vào ngành sư phạm tiếng Anh. Vân nói: “Mình đau đầu với việc gặp gỡ đối tác để thương lượng chuyện mua bán, nhất là phải tham gia những bữa tiệc thân mật chỉ vì muốn ký cho được một hợp đồng. Mình thi vào sư phạm nhưng không cho gia đình biết, nếu bị phát hiện mình vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê này”.
Tuấn lại có một đam mê “bình dân” hơn, làm một họa sĩ “giang hồ” – đi và vẽ theo ý thích của mình. Vậy mà, thay vì thi vào trường mĩ thuật, Tuấn lại thi vào kiến trúc theo sự sắp đặt của bố – vốn là một kiến trúc sư nổi tiếng. Tuấn cho biết: “Gia đình muốn tôi thi kiến trúc chỉ bởi nghề này “hái” ra tiền và cũng dễ xin việc! Bố tôi rất gia trưởng, sẽ là một sự “rạn nứt” nếu tôi không đi theo ngành do ông chọn. Âu cũng là một cách “báo hiếu” bởi bố mẹ tôi đã lớn tuổi và cũng chỉ có mỗi mình tôi”. Mặc dù vậy, sự khác biệt giữa một họa sĩ với một kiến trúc sư khiến Tuấn phải nuôi dưỡng đam mê của mình bằng cách mang giá vẽ lang thang khắp phố vào những ngày rảnh rỗi. Tuấn nói: “Rồi cũng có lúc phải chuyển nghề vì tôi không quen với sự tính toán, đo đạc hay những bản vẽ chi tiết cắt ngang, cắt dọc!”.
Cần nghiêm túc, khách quan khi hướng nghiệp
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những giá trị thời thượng, các bậc cha mẹ thường mong muốn con mình theo học những ngành nghề đem lại nhiều tiền của, có địa vị xã hội cao mà bất chấp năng khiếu, ước mơ của các em. Thậm chí có phụ huynh còn “đặt lệnh”, ép con mình vào một nghề mà chúng không thích hoặc không có khả năng theo đuổi. Các em thường có tâm lý học đại cho xong, cho “vui vẻ cả nhà” nhưng sau đó lại không mấy hứng thú, đâm ra chán nản và bỏ ngang việc đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ.
Phải nhìn nhận rằng, hướng nghiệp không đơn giản là giúp con chọn đại một cái nghề, một ngôi trường để theo học. Do đó cần phải có sự khách quan, nghiêm túc để đánh giá năng lực và sở thích của con cũng như khả năng tài chính của gia đình. Trên hết, cần tôn trọng quyết định của con cái thông qua sự bàn bạc, trao đổi với nhau, từ đó giúp con gieo ước mơ, hoài bão và lý tưởng vào ngành nghề đã chọn. Một công việc đúng sở trường, năng lực không những mang lại niềm vui, sự hứng khởi mà còn giúp các em phát huy tối đa năng lực của bản thân. Các bậc cha mẹ cần tránh tình trạng lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc khi con không tìm thấy động lực trong học tập vì phải chạy theo những kế hoạch được vạch sẵn.
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)